Trường Đại học Công nghệ tham gia tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020

   Sáng 31/10/2020, tại Hà Nội, ĐHQGHN đã tham gia “Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020” (TechDemo – Techmart – Growtech – Startup – Job fair). Trong đó, Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) – ĐHQGHN đã tham gia trưng bày 09 sản phẩm khoa học công nghệ tại sự kiện.

   Sự kiện này do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức.

  Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đã cùng lãnh đạo Bộ KH&CN phối hợp cùng Bộ NN&PTNT cùng dại diện một số cơ quan và tổ chức quốc tế cắt băng khai mạc Tuần lễ này. Trường ĐHCN có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Hoài Sơn – Phó trưởng phòng KHCN&HTPT.                                                        

   Các sản phẩm của ĐHQGHN thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách tham quan

   Mang đến triển lãm gần 40 sản phẩm khoa học công nghệ, 3 gian hàng của ĐHQGHN đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách tham quan. Trong đó, Trường ĐHCN tham gia trưng bày 09 sản phẩm. Các sản phẩm bao gồm: chip IoT công suất thấp với tính năng bảo mật dùng cho các hệ thống giám sát môi trường; hệ thống tưới tiêu tự động cho nông trại quy mô lớn; nền tảng IoT cho nhà thông minh; bản đồ số Việt Nam http://vmap.vn; mạng lưới AirNet giám sát bụi mịn trong không khí  (https://airnet.vn); thiết bị giám sát và điều khiển trồng Nấm công nghệ cao, quy mô Công nghiệp; hệ thống LED chiếu sáng và các hệ thống giám sát thông số trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ IoT; hệ thống tự động hóa công đoạn kiểm tra linh kiện trong dây truyền sản xuất tự động; hệ thống thực tại ảo trong nghệ thuật dân tộc Việt Nam.

  Vài chia sẻ của nhà khoa học ĐHQGHN

   PGS.TS Trần Xuân Tú, Trường ĐHCN chia sẻ: Chip IoT này được thiết kế và thực thi trên công nghệ CMOS 65nm với mục đích bảo vệ thông tin quan trọng được lưu trữ và truyền tải trong mạng IoT. Việc này đặc biệt quan trọng đối với các hệ thống giám sát có liên quan đến an ninh quốc gia. Hệ thống giám sát môi trường bao gồm nhiều sensor node được truyền thông qua mạng Bluetooth năng lượng thấp (BLE) hoặc mạng LoRA. Mỗi sensor node bao gồm:

  – Vi điều khiển RISC-V với các giao diện vào ra như UART, I2C, SPI, USB

  – Khối IP mã mật theo chuẩn AES và các chế độ hoạt động như CBC, CCM, GCM v.v…

  – Các sensor đo độ ẩm, nhiệt độ, chất lượng không khí, chất lượng nước v.v..

  Các sensor node được kết nối thành hệ thống với một master node và nhiều slave node truyền thông với nhau và hiển thị kết quả trên máy tính.

   PGS.TS. Nguyễn Hoài Sơn, Trường ĐHCN chia sẻ về  Hệ thống tưới tiêu tự động cho nông trại quy mô lớn: Thu thập thông tin nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng, độ ẩm đất của nhiều khu vực trồng trọt khác nhau qua giao tiếp không dây Lora; Điều khiển tự động lượng nước tưới theo điều kiện môi trường đảm bảo tiết kiệm nước và độ ẩm đất phù hợp với nhu cầu của cây trồng; Mức động hoàn thiện sản phẩm: Prototype – có thể demo.

   Khả năng và lĩnh vực ứng dụng: Nông nghiệp số

   Mức độ hoàn thiện sản phẩm: Prototype sử dụng công nghệ FPGA; đã hoàn thành quy trình thiết kế ASIC

   Khả năng và lĩnh vực ứng dụng: – Bảo mật thông tin cho hệ thống nhúng; Các thiết bị nhúng dùng pin hoặc năng lượng mặt trời;  Các ứng dụng điều khiển/giám sát môi trường.

   Tạo môi trường kết nối, chuyển giao công nghệ

   Tuần lễ “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020” diễn ra từ ngày 30/10 – 01/11/2020. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của cộng đồng KH&CN, hoạt động Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020 (TechDemo – Techmart – Growtech – Startup – Job fair) giới thiệu, quảng bá, kết nối, chuyển giao công nghệ, xúc tiến phát triển thị trường KH&CN, mở rộng hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, đưa KH&CN vào thực tiễn phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội.

   Điều này thể hiện vai trò của hoạt động đổi mới công nghệ trong các dự án đầu tư của doanh nghiệp, tạo động lực, cơ hội hợp tác kinh doanh cho các doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN và đổi mới sáng tạo.

                      

   Tuần lễ được tổ chức với sự tham gia của hơn 200 gian hàng với hơn 1000 công nghệ được trình diễn của các Viện nghiên cứu, Trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà sáng chế trong nước và các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực công nghệ: cơ khí chế tạo trong nông nghiệp, chế biến bảo quản sau thu hoạch, nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản, xử lý môi trường, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, dược liệu và các lĩnh vực liên quan. Đồng thời, trong Tuần lễ còn có các hoạt động về tư vấn, kết nối cung cầu công nghệ, hội thảo chuyên đề, cuộc thi về khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo.

   Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo thể hiện được một phần quan trọng trong bức tranh toàn cảnh về hoạt động đổi mới công nghệ tại Việt Nam nhằm ứng dụng những công nghệ mới vào phục vụ đời sống, … Từ phía các nhà khoa học, để thương mại hóa kết quả nghiên cứu thành công có 2 lựa chọn: hoặc tự mình khởi nghiệp hoặc chuyển giao công nghệ.

   Hoạt động Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020 thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương, thông qua đó góp phần thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà khoa học ứng dụng kết quả của mình vào sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Theo VNU-Media

Bài viết liên quan