Trường Đại học Công nghệ: Khẳng định vị thế trên bảng xếp hạng uy tín thế giới
Trong suốt 20 năm qua, trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (UET) đã trở thành nơi khởi nguồn của những ý tưởng đổi mới, nơi ươm mầm tài năng và phát triển các nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng và xã hội. Hành trình 20 năm là chặng đường kiên trì, nỗ lực không ngừng và tự hào là nền tảng vững chắc để UET khẳng định vị thế, vươn xa trên trường quốc tế.
Ảnh 1: GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường (bên trái) trao Nghị quyết ban hành Chiến lược phát triển trường đến năm 2035, tầm nhìn năm 2045 cho GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Nhà trường.
Đổi mới chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội
Hiện nay, Nhà trường đang triển khai đào tạo 18 chương trình đào tạo đại học, 11 chương trình đào tạo thạc sĩ và 09 chương trình đào tạo tiến sĩ. Bên cạnh những ngành đào tạo truyền thống đã khẳng định vị thế, thương hiệu nhà trường như Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Điện tử – viễn thông, Kỹ thuật máy tính, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Vật lý kỹ thuật…, nhà trường đã mở mới thêm những ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các ngành đào tạo mang tính trách nhiệm xã hội như: Công nghệ nông nghiệp, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ Hàng không vũ trụ, Kỹ thuật robot, Thiết kế công nghiệp và đồ họa…
Ảnh 2: Trường ĐH Công nghệ chào đón những sinh viên đầu tiên ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa trong năm học 2024.
Sau 20 năm, quy mô đào tạo của Trường đạt hơn 9.000 người học với chất lượng đầu vào cao, là một trong những trường đại học khối ngành kỹ thuật và công nghệ có điểm trúng tuyển cao nhất cả nước. Song song đào tạo kiến thức chuyên môn, Nhà trường chú trọng đào tạo kỹ năng cho sinh viên đáp ứng chuẩn đầu ra và yêu cầu xã hội được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau một năm tốt nghiệp hàng năm đạt trên 95%, năm 2023 đạt 96,5%, nhiều cựu sinh viên khởi nghiệp thành công và giữ các chức vụ quản lý tại các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước, quốc tế.
Chất lượng đội ngũ giảng viên làm nên thương hiệu của UET
Từ những ngày đầu thành lập, đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao của UET luôn được nhà trường chú trọng phát triển, trở thành tiềm lực mạnh nhất, là vốn quý nhất làm nên thương hiệu và những giá trị cốt lõi của UET.
Kế thừa những chính sách thu hút, bồi dưỡng cán bộ đầu ngành, đầu đàn và chính sách “cán bộ tạo nguồn” của GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – Hiệu trưởng sáng lập trường, từ những ngày đầu với 17 cán bộ, viên chức, đến nay, UET đã có hơn 300 cán bộ, viên chức. Tỷ lệ tiến sĩ trên tổng số giảng viên, cán bộ nghiên cứu là 61%, trong đó tỷ lệ GS, PGS là 14,5%.
Nghiên cứu khoa học công nghệ trở thành thế mạnh UET
Với chủ trương tạo môi trường nghiên cứu tích cực, hướng tới chuẩn mực quốc tế, những năm gần đây Trường Đại học Công nghệ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu song hành với đào tạo và trở thành nhu cầu hàng ngày của mỗi giảng viên, sinh viên. Nhà trường tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, có trường phái và vị thế khoa học cao, hội nhập khu vực và quốc tế, các phòng thí nghiệm phối hợp với các tập đoàn công nghiệp lớn trong nước và quốc tế.
Ảnh 3: Năm 2023, Trường ĐH Công nghệ công bố 271 bài báo trên Wos/Scopus.
Trong giai đoạn 2020-2024, giảng viên, nghiên cứu viên của nhà trường đã công bố trên 1.600 bài báo, trong đó có khoảng 830 bài trong danh mục Wos/Scopus; tỷ lệ công bố khoa học trong cơ sở dữ liệu Scopus thuộc nhóm Q1, Q2 trên tổng số công bố thuộc Scopus đạt trên 60%. Hoạt động chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ giai đoạn này có những bước tiến với nhiều phát minh, sáng chế và sản phẩm được chuyển giao cho doanh nghiệp.
Phát triển mô hình hợp tác Trường – Viện – Doanh nghiệp mang lại lợi ích cho sinh viên
Nhà trường tự hào là một số ít trường đại học có nhiều thành công trong mô hình hợp tác Trường – Viện – Doanh nghiệp. Ví dụ điển hình như Khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa hợp tác với Trường Đại học Công nghệ, Viện Cơ học hợp tác với Tổng công ty IMI. Tiếp nối thành công của mô hình này, Nhà trường đã mở rộng hợp tác: Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp viễn thông – quân đội Viettel; Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa hợp tác với công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng đào tạo chuyên ngành Công nghệ màn hình tiên tiến; Khoa Điện tử viễn thông hợp tác với Samsung Điện tử Hàn Quốc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch,…
Ảnh 4: Năm 2024, Công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng đã tài trợ Phòng thí nghiệm Công nghệ màn hình tiên tiến tại trường ĐH Công nghệ với trang thiết bị hiện đại
Từ lợi thế của mô hình này, các thế hệ sinh viên UET có điều kiện, cơ hội để học tập, nghiên cứu và phát triển tư duy trong môi trường chuyên sâu, gắn học tập với nghiên cứu và thực tiễn. Các sinh viên được học hỏi từ doanh nghiệp, những nhà nghiên cứu đầu ngành, tiếp cận với các thiết bị máy móc hiện đại và nhiều cơ hội chinh phục nghề nghiệp.
UET tự hào với nhiều lĩnh vực đào tạo được khẳng định vị thế trên các bảng xếp hạng uy tín thế giới
Từ năm 2019 đến nay, nhiều lĩnh vực của trường liên tiếp có mặt trên các bảng xếp hạng quốc tế như THE, QS ranking. Năm 2024, trong Bảng xếp hạng QS thế giới theo lĩnh vực (QS WUR by subject 2024), Nhà trường tiếp tục duy trì các chương trình đào tạo thuộc nhóm lĩnh vực “Kỹ thuật và Công nghệ” được xếp hạng gồm 3 lĩnh vực Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin (top 501-550 thế giới); Cơ kỹ thuật, hàng không và chế tạo (top 501-530 thế giới); Kỹ thuật Điện và điện tử (top 451-500 thế giới) và nhóm lĩnh vực “Khoa học Tự nhiên” có lĩnh vực Vật lý và Thiên văn học (top 551-600 thế giới).
Những bảng xếp hạng này đã phần nào khẳng định sự đúng đắn trong Chiến lược phát triển bền vững của nhà trường, duy trì vị thế là trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu cả nước, nằm trong nhóm các trường đại học tiên tiến ở Châu Á. Một trung tâm xuất sắc, đi đầu trong đào tạo tài năng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Ảnh 5: Trường ĐH Công nghệ vinh dự đăng cai Chung kết cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ICPC khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 92/2004/QĐ-TTg ngày 25/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ nước CH XHCN Việt Nam, trên cơ sở tổ chức lại Khoa Công nghệ và Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Cơ học thuộc ĐHQGHN. Trải qua 20 năm hình thành và phát triển cùng những thành tích to lớn trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, Trường ĐH Công nghệ đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Ba năm 2019; Huân chương lao động hạng Nhì (theo quyết định số 923/QĐ-CTN ngày 10/8/2023), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và ĐHQGHN.
Tìm hiểu về Trường Đại học Công nghệ tại:
* Website: https://uet.io.vn./
* Facebook: https://www.facebook.com/UET.VNUH?locale=vi_VN
(Theo Tạp chí Giáo dục)