Sinh viên Việt thực tập tại Facebook, Google: cơ hội dưới chân mình

         Phạm Văn Hạnh và Nguyễn Đức Minh – hai sinh viên năm 2 của Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội được chọn đi thực tập sinh của Facebook tại Anh và Google ở Mỹ.

 

Cuộc trò chuyện sau đây gợi mở một vấn đề là mong muốn của sinh viên: Làm sao để sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc quốc tế?
Không chỉ sở hữu một hồ sơ giàu thành tích từ bậc học phổ thông với hàng loạt giải thưởng quốc tế, Phạm Văn Hạnh (sẽ thực tập ở Facebook, Anh) và Nguyễn Đức Minh (sẽ thực tập ở Google, Mỹ) đã xuất sắc vượt qua các vòng thi cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh ở các quốc gia khác. Đây là những sinh viên đầu tiên của các trường ĐH phía Bắc được tập đoàn quốc tế danh tiếng chọn thực tập tại trụ sở của họ ở nước ngoài.
“Đó tưởng như là giấc mơ xa vời, nhưng không thử thì không thể biết rằng mình có thể làm được” – cả Minh và Hạnh đều chia sẻ suy nghĩ này trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ trước khi lên đường.

(Phạm Văn Hạnh – Sinh viên lớp K60CA)

Cơ hội ngay dưới chân mình
* Được những tập đoàn danh tiếng chọn thực tập, đó là mục tiêu có lộ trình từ trước hay chỉ là ngã rẽ bất ngờ với các bạn?
– Phạm Văn Hạnh: Sau khi đoạt huy chương vàng Olympic tin học quốc tế, huy chương bạc Olympic tin học châu Á – Thái Bình Dương, nhiều người nghĩ tôi có cơ hội tìm kiếm học bổng du học. Nhưng tôi vẫn chọn một trường ĐH Việt Nam.
Không phải tôi ngại thử thách trong học tập, mà tôi nghĩ hiện tại cứ học tốt ở một trường trong nước cũng được. Thế nên tôi chưa đặt mục tiêu gì quá xa đâu.
Khi biết ý tưởng đưa sinh viên của trường ĐH Việt Nam đi thực tập ở những thương hiệu tên tuổi như Facebook hay Google, ban đầu tôi không nghĩ mình có thể làm được.
Từ nhỏ đến giờ, con đường từ nhà đến trường của tôi không quá 10km nên việc sang một đất nước xa lạ, bước chân vào một tập đoàn lớn để thực tập có vẻ hơi khó khăn.
– Nguyễn Đức Minh: Thú thật, trước đây khi nghe nói về việc sinh viên có thể được thực tập ở những tập đoàn tầm cỡ quốc tế về công nghệ thông tin, tôi thấy đó là giấc mơ xa vời.
Thành tích học tập của tôi hồi phổ thông còn khiêm tốn hơn Hạnh, chỉ có một giải nhì về tin học trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia khi tôi là học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Ở ĐH, kết quả học tập cũng tạm ổn, nhưng nó chưa nói lên điều gì đáng kể. Vốn tiếng Anh của tôi từng không được tốt lắm, chỉ điều đó cũng khiến tôi thấy khó…
* Nhưng các bạn đã làm được…
– Phạm Văn Hạnh: Vâng, bước chân vào hành trình tôi mới thấy cũng không khó, không xa vời như mình nghĩ. Điều quan trọng là phải thử, chấp nhận thử thách. Hóa ra cơ hội ngay dưới chân mình.
– Nguyễn Đức Minh: Trước đây tôi chỉ biết học, còn khi trải qua các vòng tuyển chọn, tôi có thể xác định được mình đang đứng ở đâu. Khi xác định được như vậy, tôi bắt đầu thấy mình cần chuẩn bị gì để đạt yêu cầu của công ty nơi nhận mình vào thực tập.
Rồi có thể sau đợt thực tập đó quay lại trường, tôi sẽ có định hướng rõ ràng hơn cho con đường mình đi trong tương lai.
* Theo các bạn, để chiến thắng các đối thủ khác trong cuộc đua trở thành thực tập viên của các công ty lớn, hành trang các bạn cần có là gì?
– Nguyễn Đức Minh: Tôi nghĩ nếu có khả năng tin học tốt cộng với trình độ tiếng Anh thì mọi sinh viên đều có hi vọng thực tập ở các tập đoàn danh tiếng.
Cơ hội luôn mở ra bình đẳng với tất cả người trẻ. Dĩ nhiên là phải có mong muốn và dám thử sức trong một cuộc đua như thế này.
“Họ chọn tôi”
* Vì sao các bạn chọn Facebook và Google? Yêu cầu của họ đặt ra với các thực tập viên như thế nào?
– Phạm Văn Hạnh: Chúng tôi đều nộp hồ sơ vào nhiều nơi khác nhau và chờ đợi kết quả. Facebook có quyết định chọn trước nên tôi chốt luôn. Về mặt chuyên môn, đó là môi trường tốt cho sinh viên công nghệ thông tin được thực tập.
– Nguyễn Đức Minh: Tôi không chọn Google mà họ chọn tôi. Đó là một may mắn vì ở đây tôi hi vọng sẽ học hỏi được nhiều điều. Với các thực tập viên, trước mắt họ yêu cầu phải có khả năng đọc hiểu tài liệu, khả năng theo kịp công nghệ mới và thích nghi được với môi trường làm việc.
* Các bạn có biết phải vượt qua bao nhiêu đối thủ để được chọn không?
– Phạm Văn Hạnh: Việc phỏng vấn theo hình thức online 1-1 nên mỗi người chỉ biết phần dự tuyển của mình. Nhưng tôi cũng được biết những công ty lớn như Google và Facebook không chỉ tuyển sinh viên thực tập ở Việt Nam, mà tuyển ở nhiều quốc gia khác nhau.
* Có điều thú vị gì khi người ta phỏng vấn bạn?
– Phạm Văn Hạnh: Tôi đã chuẩn bị nhiều nội dung để hỏi. Nhưng bất chợt nhìn trên tường ở phía sau người đang phỏng vấn tôi có một câu, tạm dịch là “Làm càng nhanh càng tốt”. Tôi cảm thấy câu nói đó không đúng lắm. Vì làm nhanh thì có thể sẽ ẩu. Tôi đã hỏi lại họ vì sao lại chọn câu đó gắn trên tường.
* Họ giải thích như thế nào với bạn?
– Phạm Văn Hạnh: Họ nói nhiều khi phải đặt mục tiêu về tiến độ công việc lên hàng đầu. Nhưng dĩ nhiên dù nhanh cũng không được phép làm ẩu. Điều này làm tôi luôn nhớ.
Không cổ xúy “sống ảo”.

(Nguyễn Đức Minh – Sinh viên lớp K60CA)

* Bạn có định hướng gì cho mình trong kỳ thực tập sắp tới?
– Nguyễn Đức Minh: Tôi được xếp vào team lập trình ứng dụng trên điện thoại. Hiện nay người sử dụng điện thoại kết nối mạng Internet nhiều.
Ai cũng dùng điện thoại, không chỉ cho mục đích nghe gọi mà còn sử dụng các tính năng trên điện thoại để tìm kiếm thông tin, giải trí, phục vụ sinh hoạt, công việc. Vì thế tôi quan tâm và thấy có hứng thú trong việc tìm ra, thiết kế các phần mềm có thể ứng dụng trên điện thoại.
* Là “dân IT” và sau này có thể sẽ làm việc sâu hơn ở lĩnh vực này, các bạn có suy nghĩ gì về thực tế ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay ở Việt Nam?
– Phạm Văn Hạnh: Nói thật là tôi không thích giới trẻ Việt Nam sống ảo. Mặt trái của việc phát triển công nghệ thông tin là lôi kéo nhiều người vào sống ảo.
* Điều này có vẻ mâu thuẫn với lựa chọn của các bạn nhỉ? Sản phẩm công nghệ “gây nghiện” đã đánh cắp nhiều thời gian của người trẻ, nhưng nếu tiếp tục học tập và làm việc ở lĩnh vực này, bạn sẽ phải hướng tới việc thiết kế nhiều phần mềm ứng dụng hấp dẫn người sử dụng. Một cách nào đó, bạn sẽ phải lôi kéo nhiều người vào thế giới ảo hơn?
– Phạm Văn Hạnh: Nếu tôi là Mark Zuckerberg – ông chủ của Facebook, có thể tôi cũng biết Facebook có thể gây nghiện, nhưng càng gây nghiện thì càng nhiều người dùng và tăng thêm doanh thu.
Cũng như Steve Jobs – “cha đẻ” của Apple – không cho con dùng iPad nhằm tránh cho con mình “nghiện” công nghệ, nhưng vẫn sản xuất iPad cho người khác dùng.
Bản thân tôi khi làm việc trong một môi trường ứng dụng công nghệ thông tin, một trong những mục tiêu mà tôi hướng đến cũng là tạo ra các sản phẩm được nhiều người sử dụng. Nhưng tôi vẫn không thích việc nhiều bạn trẻ lạm dụng công nghệ thông tin để sống ảo. Vì đó là mặt tiêu cực.
– Nguyễn Đức Minh: Tôi thì thấy công nghệ không hề gây nghiện. Việc “sa đà vào sống ảo” không phải lỗi của người tạo ra các phần mềm ứng dụng. Tiêu cực hay tích cực lệ thuộc nhiều vào quan điểm của người dùng.
Nếu sử dụng công nghệ thông tin vào các mục đích có ích cho mình và mọi người và sử dụng đúng mức, đúng cách thì sẽ là tích cực, còn sử dụng vào các mục đích vô bổ, thiếu sự kiểm soát thì sẽ là tiêu cực.
Người làm công nghệ không chỉ tạo ra những mạng xã hội như Facebook mà còn có thể tạo ra những ứng dụng để lọc “tin độc”, tin sai, ngăn chặn các tin không chính thống để tạo không gian sạch trên mạng, trả lại cho mạng xã hội đúng chức năng là công cụ chia sẻ thông tin, chia sẻ cảm xúc và kết nối mọi người.
 
Cứ thi là thích
* Kỳ thực tập đặc biệt này có thể xem như quãng rẽ quan trọng đối với những sinh viên như các bạn. Điều gì có ý nghĩa nhất đối với các bạn khi trải qua cuộc tuyển chọn và đối diện với thách thức sắp tới?
– Nguyễn Đức Minh: Tôi thấy khi cơ hội mở ra trước mắt thì đừng ngần ngại nắm lấy. Cái hay nhất đối với tôi là hiểu được mình đang ở đâu.
– Phạm Văn Hạnh: Tôi là người thích tham gia các kỳ thi, cứ được thi là thích. Đơn giản là tham gia một kỳ thi tôi sẽ được thỏa mãn mong muốn giải các bài tập khác nhau, được trải nghiệm cảm giác vượt qua thách thức.
Nhưng có lẽ kỳ thực tập tới đây sẽ cho tôi thấy tới lúc phải nghĩ đến việc ứng dụng những gì được học vào cuộc sống, phải tiến gần hơn đến thế giới thật của công nghệ phần mềm, chứ không thể phiêu du với các bài tập, lý thuyết được học trong nhà trường.
* PGS.TS Nguyễn Việt Hà (Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội):
Chương trình hỗ trợ sinh viên sẽ tiếp tục
Từ tháng 9-2016, Trường ĐH Công nghệ khởi động một chương trình với mục đích định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Chúng tôi chọn được một lớp trên 30 sinh viên xuất sắc về công nghệ thông tin.
Một nhóm giảng viên được cử để hỗ trợ thêm các em về lập trình, thuật toán, ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết cho việc tiếp cận với các công ty, tập đoàn lớn đăng ký dự tuyển vào thực tập.
Các thầy trong nhóm cũng trực tiếp liên hệ với các công ty, tập đoàn lớn thông qua các đối tác công việc hoặc các cựu sinh viên IT của Việt Nam đang làm việc tại các công ty, tập đoàn khác nhau, nhờ họ kết nối, 
giúp đỡ sinh viên.
Ngoài hai sinh viên được Facebook và Google tiếp nhận thực tập, còn có các em khác cũng được nhận thực tập ở các công ty, tập đoàn nước ngoài.
Chúng tôi sẽ duy trì chương trình này dưới dạng tương tự một câu lạc bộ, nơi các sinh viên có đam mê, năng lực tốt có thể trao đổi, giao lưu, chia sẻ thông tin để có định hướng tốt hơn ngay trong quá trình học tập và công việc sau này.
* PGS.TS Lê Sỹ Vinh (Chủ nhiệm khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội):
Có thể tham gia môi trường công việc tầm quốc tế
Việc hai em Nguyễn Đức Minh và Phạm Văn Hạnh được tham gia Google và Facebook cho thấy khả năng lớn của các sinh viên hiện đang học tại các trường ĐH hàng đầu của Việt Nam có thể tham gia môi trường công việc ở tầm quốc tế.
Các bạn sinh viên giỏi hoàn toàn có cơ hội để bơi ra biển lớn. Việc tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập ở các công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài là hoạt động hướng nghiệp mà khoa công nghệ thông tin của chúng tôi dành nhiều thời gian, công sức trong một năm vừa qua.
Theo Ngọc Hà- Vĩnh Hà thực hiện (Tuổi trẻ online)

Bài viết liên quan