Nhiều bạn trẻ giỏi chuyên môn nhưng thất bại ở thị trường quốc tế, vì đâu?
TS. Lê Hoàng Quỳnh, 1 trong 10 gương mặt được vinh danh giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2021 chia sẻ, nhiều bạn trẻ rất giỏi về chuyên môn, có thái độ làm việc cầu tiến nhưng lại thất bại khi muốn vươn ra thử sức ở thị trường quốc tế…
Theo TS. Lê Hoàng Quỳnh, nhiều bạn trẻ rất giỏi về chuyên môn nhưng lại thất bại khi muốn vươn ra thử sức ở thị trường quốc tế vì không thể hiện được đúng năng lực của bản thân.
Chuyển đối số phải “bắt đầu từ chính chúng ta”
Chuyển đổi số trong giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng để làm việc trong môi trường quốc tế. Vậy theo chị, chuyển đổi số phải bắt đầu từ đâu?
Chuyển đổi số không phải là câu chuyện mới, trong những năm trở lại đây, nó được người ta nhắc đến ngày càng nhiều trong mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên, đây không phải là một cánh cửa mà một khi bước qua thì có thể được coi là thành công. Đây là cả một quá trình dài đổi mới, “thay da đổi thịt” cho ngành giáo dục với hướng đi mới, phương pháp mới, kỹ thuật mới, nền tảng mới.
Theo tôi, chuyển đổi số tại Việt Nam phải “bắt đầu từ chính chúng ta”. Trong khi những yếu tố về nền tảng, cơ sở vật chất có thể được xây dựng bằng cách tận dụng, học hỏi từ các nước đi trước hoặc các ngành khác, yếu tố con người của ngành giáo dục Việt Nam lại có những đặc thù riêng biệt, rất khác với các nước trên thế giới và khu vực ASEAN.
Vì vậy, để đảm bảo quá trình chuyển đổi số có thể diễn ra hiệu quả, phù hợp và nhanh chóng thì cả 5 chủ thể con người của ngành giáo dục (Nhà nước, nhà trường, giáo viên, người học và gia đình) đều phải nỗ lực để thay đổi và hòa nhập. Trong từng bước của công cuộc chuyển đổi số, mỗi chủ thể đều có một phần trách nhiệm riêng.
Cụ thể, Nhà nước đưa ra các định hướng, xây dựng nền tảng công nghệ, nhà trường chịu trách nhiệm triển khai, giáo viên và người học đóng vai trò trung tâm của cuộc cách mạng và gia đình là hậu phương vững chắc.
Một trong những yếu tố khiến chuyển đổi số chưa thể thực hiện được từ những năm trước mà phải đến khi dịch Covid-19 bùng phát thì ngành giáo dục mới thực sự chuyển mình chính là ở yếu tố con người. Trong hoàn cảnh đó, chuyển đổi số trong giáo dục bỗng trở thành một bước tiến mà chúng ta không thể không đi.
Chìa khóa tạo môi trường giáo dục linh động
Trong bối cảnh hiện nay, nhân lực chất lượng cao Việt Nam phải có kiến thức, kỹ năng gì để có thể cạnh tranh sòng phẳng ngay cả trên thị trường lao động Việt Nam và quốc tế?
Tôi từng biết nhiều bạn trẻ rất giỏi về chuyên môn, có thái độ làm việc cầu tiến, tuy nhiên lại thất bại khi muốn vươn ra thử sức ở thị trường quốc tế.
Mấu chốt ở thất bại này hầu hết đều do không thể hiện được đúng năng lực của bản thân. Mà nguyên nhân sâu xa hơn thường bắt nguồn từ những thiếu sót trong giao tiếp bằng ngoại ngữ, hoặc kỹ năng mềm chưa đủ tốt để thể hiện đầy đủ tiềm năng của mình cho chuyên gia tuyển dụng.
Vì vậy, bên cạnh kiến thức chuyên môn, nhân lực chất lượng cao Việt Nam cần trau dồi tốt hơn về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm. Ngoài ra, trong bối cảnh chuyển đổi số ngày một phát triển như hiện nay, ngoại ngữ đóng vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ trong giao tiếp mà còn trong việc tiếp cận các kho tri thức dưới dạng điện tử.
Các cộng đồng nghiên cứu đang có xu hướng ngày một “mở”, tức là sẵn sàng chia sẻ các tiến bộ, tài nguyên của mình cho cộng đồng. Để có thể tiếp cận và tận dụng các tri thức này một cách hiệu quả, chúng ta không thể phụ thuộc vào các chương trình dịch tự động mà phải thực sự hiểu và nắm được ngoại ngữ chuyên ngành.
Chuyển đổi số chính là một chìa khóa quan trọng trong việc tạo môi trường giáo dục linh động, tăng tính tương tác và trải nghiệm thực tế, giúp người học có thể phát triển các kỹ năng này một cách nhanh chóng, thường xuyên và hiệu quả hơn.
Con người phải dẫn dắt sự thay đổi
Để Việt Nam trở thành nước đi đầu về chuyển đổi số trong giáo dục thì cần những điều kiện cần và đủ nào? Chị có thể đưa ra gợi ý, giải pháp cụ thể?
Theo tôi, điều quan trọng trong chuyển đổi số là chúng ta cần có những bước đi nhanh nhưng chuẩn xác. Để thực hiện công cuộc chuyển đổi số, cần phải có ba điều kiện:
Thứ nhất, phải đảm bảo hạ tầng công nghệ và trang thiết bị cho đơn vị quản lý, người học và người dạy. Tuy nhiên, nếu chỉ có các hạ tầng công nghệ và trang thiết bị thì mới chỉ dừng lại ở bước ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục.
Điểm khác biệt mấu chốt để đi tới chuyển đổi số chính là các hạ tầng công nghệ và trang thiết bị này phải được đồng bộ, kết nối trên cùng một nền tảng số, đảm bảo sự tương tác giữa các cá nhân, sự chia sẻ trong cộng đồng và sự hoạt động nhịp nhàng của các tổ chức.
Thứ hai, chuyển đổi số đòi hỏi sự thay đổi đến từ tư duy, năng lực và kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin của các cấp quản lý ngành giáo dục cũng như của người dạy.
“Nhiều bạn trẻ rất giỏi về chuyên môn, có thái độ làm việc cầu tiến nhưng lại thất bại khi muốn vươn ra thử sức ở thị trường quốc tế vì không thể hiện được đúng năng lực của bản thân. Nguyên nhân sâu xa là họ thiếu sót trong giao tiếp bằng ngoại ngữ, hoặc kỹ năng mềm chưa đủ tốt để thể hiện đầy đủ tiềm năng của mình cho chuyên gia tuyển dụng”.
Thứ ba, chúng ta cần phải quan tâm phát triển văn hóa giáo dục số, đảm bảo người học có thái độ học tập chủ động, tự giác, gia đình và xã hội có sự hiểu biết và ủng hộ cần thiết.
Chuyển đổi số trong giáo dục cần tập trung đồng thời vào hai yếu tố chủ đạo là nền tảng số và con người. Để nền tảng số thực sự đảm bảo vai trò là công cụ giảng dạy và học tập hiệu quả, hạ tầng công nghệ cần được xây dựng và bổ sung đầy đủ, đồng bộ.
Một khía cạnh cần phải được nhìn nhận một cách tích cực hơn là việc đặt niềm tin và trao quyền tự chủ cho giáo viên. Giáo viên, với vai trò là người trực tiếp thực hiện hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, cần phải đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng chương trình và thực hiện quá trình chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là cơ hội để đổi mới giáo dục. Vậy muốn chuyển đổi số thành công thì con người phải thay đổi ra sao để thích nghi, dẫn dắt sự thay đổi?
Điểm mấu chốt trong đổi mới giáo dục bằng chuyển đổi số chính là kiến thức của con người có thể bổ sung dần dần, nhưng tư duy thì cần thay đổi. Các nhà lãnh đạo và giáo viên cần phải linh hoạt hơn, “mở” hơn với những điều mới để sẵn sàng thay đổi và điều chỉnh.
Chuyển đổi số cho phép giáo dục được thực hiện toàn diện và đầy đủ mà không cần sự gặp mặt trực tiếp giữa người dạy và người học, giảm thuyết giảng, linh hoạt và cá nhân hóa việc học. Điều này yêu cầu người dạy phải làm chủ được công nghệ mới, có tư duy mới, sáng tạo hơn trong việc xây dựng phương thức truyền tải bài giảng để vừa đảm bảo được khối lượng kiến thức, vừa tạo hứng thú và có tính gợi mở cho người học.
Về phía người học, chuyển đổi số vừa là cơ hội, vừa là thách thức, yêu cầu năng lực về tự học và học mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, người học cần phải sẵn sàng về tâm thế, về tinh thần và các kỹ năng mềm.
TS. Lê Hoàng Quỳnh và các cộng sự. |
Chuyển đổi số trong giáo dục cần có lộ trình riêng
Chị có đề xuất giải pháp gì để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như nguồn nhân lực trẻ trong tương lai đạt chuẩn quốc tế?
Về bản chất, chuyển đổi số không thay đổi giá trị cốt lõi của ngành giáo dục, vì vậy, chất lượng của giáo dục cũng như nguồn nhân lực trẻ không hoàn toàn phụ thuộc vào công cuộc chuyển đổi số.
Tuy nhiên, việc tận dụng được những ưu điểm và nắm bắt được các cơ hội mà chúng mang lại có thể giúp nâng cao đáng kể chất lượng của giáo dục và đẩy mạnh việc tiếp cận chuẩn quốc tế.
Thứ nhất, một trong những yếu tố nên được khai thác tối đa của học trực tuyến chính là khả năng cá nhân hóa cho người học. Định hướng giáo dục, chương trình giáo dục cần được xây dựng sao cho vừa đảm bảo tính đồng bộ, vừa có khả năng thúc đẩy sự sáng tạo tối đa của người học. Giáo dục không chỉ có trách nhiệm bồi dưỡng kiến thức, mà còn phải khơi dậy đam mê cho thế hệ trẻ.
Thứ hai, cần tạo điều kiện cho người học tiếp cận với các tri thức tiên tiến trên thế giới bằng việc bổ sung học liệu điện tử nước ngoài. Việc này không chỉ giúp các em có thêm kiến thức, mà còn thúc đẩy sự phát triển về ngôn ngữ và khả năng thích nghi, tạo một nền tảng quan trọng khi tiếp cận với thế giới.
Thứ ba, nếu trước đây việc “học đi đôi với hành” còn gặp nhiều vướng mắc trong kết nối với thực tế và đưa ra các minh chứng trực quan, thì chuyển đổi số chính là “chìa khóa” để có thể thực hiện việc này một cách dễ dàng hơn.
Theo chị, Nhà nước cần những chính sách phù hợp thế nào để Việt Nam có thể trở thành một trong những nước đi đầu về chuyển đổi số trong giáo dục?
Hiện nay, các cấp lãnh đạo đã và đang rất quan tâm đẩy mạnh công cuộc chuyên đổi số trong giáo dục, coi đây là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên triển khai trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số trong giáo dục tại Việt Nam cần có lộ trình riêng, phù hợp với những điều kiện đặc thù về kinh tế, xã hội, chính trị và con người. Mặc dù đây là quá trình đổi mới tất yếu và diễn ra với tốc độ rất nhanh, nhưng mỗi bước đi không vững chắc đều có thể đem lại ảnh hưởng xấu ít nhiều đến tâm lý của xã hội, cũng như ảnh hưởng đến quá trình phát triển lâu dài.
Do đó, cần có sự quyết tâm cao, sự chuẩn bị cẩn thận và đầu tư xứng tầm. Với tư cách là một người làm trong ngành giáo dục, tôi rất mong Nhà nước sẽ có những khảo sát chi tiết từ phía chính những người dạy, người học để đưa ra những chính sách phù hợp nhất, đồng thời có sự mềm dẻo để mỗi cá nhân có thể có sự điều chỉnh phù hợp theo tinh thần, định hướng chung.
Xin cảm ơn TS!
TS. Lê Hoàng Quỳnh, giảng viên Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội lĩnh vực Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa
– Là 1 trong 10 gương mặt được vinh danh giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2021.
– Có 2 bằng độc quyền sáng chế quốc gia, 4 bài báo công bố quốc tế thuộc danh mục Q1, 23 bài công bố trên hội thảo khoa học quốc tế.
Đoạt các giải thưởng quốc tế được tổ chức bởi các cộng đồng nghiên cứu uy tín: Top 1 trong nước, top 3% thế giới cuộc thi Women in Data Science (WiDS) Datathon 2021; Rank 2 cuộc thi MEDIQA 2021 – Multi-Answer Summarization (nằm trong chuỗi workshop BioNLP, chuỗi workshop hàng đầu trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên); Top 4 thách thức trích chọn mối quan hệ hóa chất gây ra bệnh trong văn bản y sinh (BioCreative V, 2015)…
Theo Hùng Thoa (Báo Thế giới và Việt Nam)