GS.TSKH Huỳnh Hữu Tuệ: Viết một bài báo khoa học chính là kể một câu chuyện hay

     Ngày 19/01, Viện Tiên tiến về Kỹ thuật và Công nghệ (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Khoa Điện tử viễn thông (Trường ĐHCN) đã phối hợp với Tạp chí Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức khóa học “Làm thế nào để chuẩn bị và viết bản thảo một công trình nghiên cứu” do GS.TSKH Huỳnh Hữu Tuệ trình bày tại Nhà G3.

     Tham dự về phía trường ĐHCN có PGS.TS. Nguyễn Linh Trung – Viện trưởng Viện tiên tiến về Kỹ thuật và Công nghệ, PGS.TS. Trần Đức Tân – Phó Chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông cùng một số cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh tại trường. Về phía Tạp chí Thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) có ông Vũ Chí Kiên – Tổng biên tập.

Khóa học thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu khoa học và nghiên cứu sinh 

     Đối với các nhà nghiên cứu khoa học để viết một công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải, công bố trên tạp chí khoa học có uy tín luôn là công việc quan trọng. Ngoài nỗ lực nghiên cứu để có kết quả khoa học có đóng góp mới, việc chuẩn bị bản thảo, cách tiếp cận nghiên cứu, khuôn mẫu, trình bày… những việc tưởng đơn giản nhưng lại là thách thức đối với các nghiên cứu sinh và các nhà khoa học.

     Vì vậy, khóa học này với mục tiêu là giúp các nhà khoa học Việt Nam có được những kinh nghiệm để viết bản thảo một công trình nghiên cứu thành công dành cho các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông và các lĩnh vực liên quan.

Ông Vũ Chí Kiên phát biểu khai mạc tại khóa học

     Phát biểu khai mạc khóa học, ông Vũ Chí Kiên cho biết năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quy định mới về điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, theo đó nghiên cứu sinh nghiên cứu, công bố kết quả luận án trong tối thiểu 2 bài báo, trong đó tối thiểu 1 bài báo thuộc danh mục tạp chí ISI Scopus hoặc ít nhất hai bài báo (hoặc báo cáo khoa học) đăng kỷ yếu hội thảo, tạp chí quốc tế có phản biện. Rõ ràng bài báo đạt chuẩn quốc tế đang là thách thức đối với giới nghiên cứu Việt Nam. Về việc công bố bài báo quốc tế, các nhà khoa học Việt Nam được ghi nhận trong danh sách ISI/Scopus một số năm gần đây tương đối khiêm tốn, khoảng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Malaysia và gần 1/5 của Singapore.Là Tạp chí khoa học nghiên cứu thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có 57 năm hoạt động, trong đó có ấn phẩm khoa học “Các công trình nghiên phát triển cứu Công nghệ thông tin – Truyền thông” (CNTT-TT) xuất bản năm thứ 20. Qua quá trình kinh nghiệm biên tập, Tạp chí nhận thấy điểm yếu chung của các bài viết khoa học có một số hạn chế lớn: chất lượng nội dung bài còn thấp, không có tính mới, thiếu giá trị về học thuật, thiếu tính cống hiến cho xã hội và hầu hết các bài viết chủ yếu bằng tiếng Việt. Chính vì vậy, khả năng viết bài bằng tiếng anh còn kém. Hạn chế của tác, giả, biên tập viên khoa học chưa tuân theo quy trình, tiêu chuẩn Tạp chí quốc tế.

      Tạp chí mong muốn là cầu nối giữa các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước, gắn kết các trường đại học, viện nghiên cứu để nâng tầm khoa học của ngành CNTT-TT. Với tinh thần đó, rất mong muốn đồng hành cùng các thầy cô giáo, nhà khoa học trong việc xây dựng và phát triển ngành ICT của Việt Nam làm nền tảng phát triển đất nước trong kỷ nguyên số. Giảng viên của khóa học này là GS. TSKH. Huỳnh Hữu Tuệ, người có nhiều năm đóng góp cho sự phát triển của Trường Đại học Công nghệ và nhiều cơ sở giáo dục, nghiên cứu ở Việt Nam. Ông đã bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học vào năm 1972 và công tác tại Khoa Điện và Kỹ thuật máy tính của Trường Đại học Laval (Canada) từ năm 1969 – 2005. Năm 1984, GS. TSKH. Huỳnh Hữu Tuệ là khách mời của tập đoàn AT&T tại Neptune, New Jersey. Ông đã được mời giảng dạy tại nhiều trường đại học ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á, cũng như làm cố vấn cho một số trung tâm nghiên cứu thuộc chính phủ và một số công ty ở Canada.GS. TSKH. Huỳnh Hữu Tuệ là tác giả và đồng tác giả của hai cuốn sách và hơn 200 công trình khoa học trong lĩnh vực xử lý thông tin, tập trung nghiên cứu các kỹ thuật mô phỏng thống kê, xử lý thông tin, giải thuật nhanh, với nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực kinh tế và viễn thông.

      Với khả năng sư phạm lôi cuốn, trình độ chuyên môn sâu, GS. TSKH. Huỳnh Hữu Tuệ đã chia sẻ “Làm thế nào để chuẩn bị và viết bản thảo một công trình nghiên cứu” tưởng như là nội dung khô cứng mà hết sức sinh động, thu hút và dễ hiểu. Trong suốt quá trình diễn ra khóa học, với sự tâm huyết của một nhà giáo và một nhà khoa học Giáo sư đã chia sẻ các tổng kết, kinh nghiệm trong viết bài báo khoa học thành công.

GS.TSKH Huỳnh Hữu Tuệ đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc viết bản thảo công trình nghiên cứu khoa học

     Tại khóa học GS. TSKH. Huỳnh Hữu Tuệ đã nhấn mạnh việc viết một bài báo khoa học chính là kể một câu chuyện hay, tức là bài báo được viết tốt và dễ hiểu, cách trình bày hợp lý và không chứa mâu thuẫn nội tại. Trong đó, kể một câu chuyện là đặt câu hỏi mà bạn đang cố gắng giải quyết cho biết lý do tại sao nó lại thú vị và quan trọng. Hãy tập trung vào việc kể cho người đọc những điều cơ bản mà họ biết để họ có thể hiểu và đánh giá cao câu chuyện của bạn sắp kể. Hãy nhớ rằng thời điểm của các thí nghiệm không quan trọng, hãy bảo đảm logic của các thí nghiệm và nội dung nghiên cứu cũng như cách cách trình bày. Các biên tập viên rất cẩn thận nhằm chọn các công trình tốt nhất cho tạp chí của họ. Do đó, bản thảo của bạn phải thật sự nổi bật.

     Trong thực tiễn, theo nhận định của GS. TSKH. Huỳnh Hữu Tuệ, năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam không thua kém gì so với thế giới. Với quan sát trong 40 năm qua làm việc với các nghiên cứu viên Việt Nam, phần lớn các công trình nghiên cứu bị từ chối bởi 3 lý do chính: Yếu ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh; Kiến thức rộng của lĩnh vực nghiên cứu thiếu và không biết chuẩn, cách trình bày một công trình trên một tạp chí có uy tín.

     Dựa theo những tiêu chí của Tổ chức IEEE, trong khoa học, GS. TS. Huỳnh  Hữu Tuệ đã trình bày 4 bài giảng: Chọn vấn đề công bố, phương pháp nghiên cứu, đánh giá tính và mức độ sáng tạo, đóng góp của nội dung công trình đối với lĩnh vực; Chọn Tạp chí để nộp công trình; Chuẩn bị và viết bản thảo; Trả lời phản biện và sửa bản thảo.

     Một trong những khâu quan trọng mà Giáo sư đã nhắc tới trong khóa học là những công tác cần chuẩn bị trước khi bắt tay vào công việc viết bản thảo. Đầu tiên, tác giả cần phải nghĩ về lý do tại sao muốn công bố công trình nghiên cứu của mình – và liệu nó có thể được chấp nhận để xuất bản không. Công việc viết một bài báo phải được chuẩn bị kỹ càng trước khi bạn thực sự bắt tay vào việc. Trong thực tế, bạn phải suy nghĩ về lý do tại sao bạn muốn xuất bản công trình của mình ngay khi bắt đầu nghiên cứu, khi bạn đặt câu hỏi cho những giả thuyết mà mình sẽ sử dụng trong nghiên cứu của mình.

     Sau đó, bạn cần kiểm tra xem giả thuyết và thiết kế khảo sát/thử nghiệm có thể được công bố hay không. Các câu hỏi người viết phải tự đặt ra cho bản thân như: “Tôi đã làm một cái gì đó mới và thú vị? Có điều gì thách thức trong công việc của tôi? Công việc của tôi có liên quan trực tiếp đến một chủ đề nóng hiện nay? Tôi đã cung cấp giải pháp cho một số vấn đề phức tạp?”.Khi trả lời những câu hỏi này, bạn nhớ rằng người đánh giá bản thảo của bạn đang đặt những câu hỏi, trong đó phải trả lời các câu hỏi như: “Bản thảo này có chứa kết quả mới không? Bản thảo này có nội dung nằm trong phạm vi của tạp chí không?”…. Trả lời hết các câu hỏi này chất lượng bài báo sẽ nâng lên.

      Về lựa chọn bản thảo, người viết có ít nhất 3 tùy chọn về loại bản thảo:

     – Bài viết đầy đủ là những công trình nghiên cứu rất lớn, là loại bản thảo quan trọng nhất. Thông thường chúng là những phần hoàn thành đáng kể những nghiên cứu có ý nghĩa và có nội dung độc đáo.

      – Thư/bài báo ngắnthường được xuất bản đề công bô nhanh và những tiến bộ mới và quan trọng. Chúng ngắn hơn nhiều so với các báo đẩy đù (thường bị giới hạn nghiêm ngặt về kích thước, tùy tuộc vào từng tạp chí.

      – Bài tổng hợp kết quả để trình bày những kết quả cùng quan điểm về những phát triển gần đây trên một chủ đề nóng cụ thể, nêu bật những điểm quan trọng đã được công bố mà không cần giới thiệu thông tin mới. Thông thường họ được gửi theo lời mời của biên tập viên của tạp chí.

    Sau khi chọn tạp chí để gửi bài viết hãy truy cập trang web của tạp chí và tải xuống “Hướng dẫn dành cho tác giả”, in ra và đọc hướng dẫn nhiều lần. Hướng dẫn thường bao gồm các hướng dẫn biên tập chi tiết, quy trình nộp bản thảo, phí xuất bản và phí truy cập mở cùng hướng dẫn về bản quyền và đạo đức trong công bố khoa học. Nói chung, hầu hết chúng đều theo cùng một cấu trúc:

    Một đoạn thông tin của bản thảo bao gồm: Tiêu đề, Tác giả (và các địa chỉ), Tóm tắt và Từ khóa cho phép các CSDL tạo chỉ mục và tìm kiếm các chủ đề, làm cho thông tin về bài viết hấp dẫn và hiệu quả.

    Nội dung chính, thường được chia thành: Giới thiệu, Phương pháp, Kết quả, Thảo luận và Kết luận.

    Bài viết còn bao gồm: Lời cảm ơn, Tài liệu tham khảo và Tài liệu bổ sung phụ lục.

    Cấu trúc chung của một bài viết đầy đủ tuân theo những quy định của IEEE phải trả lời các câu hỏi: “Giới thiệu: Bạn/người khác đã làm gì? Tại sao bạn làm điều đó?; Phương pháp: Làm thế nào bạn làm điều đó?; Kết quả: Bạn đã tìm thấy gì? và Thảo luận: Tất cả có ý nghĩa là gì? Những câu hỏi này phải thường xuyên để bên cạnh”. Đặc biệt, nên có nhật ký khoa học trong khi viết bản thảo. Điều này rất quan trọng.

    Một điểm lưu ý nữa được GS. TSKH. Huỳnh Hữu Tuệ đặc biệt lưu ý là người viết phải hiểu đạo đức trong nghiên cứu và công bố để tránh vi phạm. Một trong những điều tồi tệ nhất trong khoa học là đạo văn. Đạo văn và ăn cắp kết quả của đồng nghiệp, có thể dẫn đến hậu quả nghiệm trọng, cả về chuyên môn và pháp lý. Vi phạm bao gồm chế tạo và giả mạo dữ liệu, sử dụng không đúng quy định động vật và con người trong nghiên cứu, sử dụng ý tưởng hoặc câu chữ của tác giả khác mà không có sự cho phép.

    Kết thúc khóa học,Giáo sư gửi gắm những lời khuyên chân thành đến các nhà nghiên cứu trẻ trong tương lai là “Nghiên cứu mà không có đam mê, không có người hướng dẫn thì không đi xa được, nếu có trí tuệ và thông minh thì giúp mình đi nhanh hơn”.

Tuyết Nga (UET-News)

Bài viết liên quan