GS.TS Chử Đức Trình: “Trường ĐH Công nghệ triển khai mô hình giáo dục toàn diện cho sinh viên học tập tại Hòa Lạc”
Bắt đầu
End
Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên, hơn 700 sinh viên năm nhất của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN sẽ tới học tập tại cơ sở Hòa Lạc. Tại đây, sinh viên được học tập, trải nghiệm theo mô hình giáo dục toàn diện, góp phần xây dựng thế hệ công dân toàn cầu.
Rất nhiều phụ huynh, sinh viên trúng tuyển vào Trường ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2023, chuẩn bị nhập học đã có nhiều băn khoăn, lo lắng bởi không biết con em mình học tập tại cơ sở Hòa Lạc sẽ ra sao? Có đảm bảo an toàn không? Môi trường, cơ sở vật chất và nội trú như thế nào?…
GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội đã có trao đổi, giải đáp thắc mắc tới thí sinh và phụ huynh về mô hình giáo dục toàn diện khi sinh viên Trường Công nghệ lên học tập tại cơ sở Hòa Lạc.
Mô hình giáo dục toàn diện là gì?
– Thưa GS.TS Chử Đức Trình, được biết năm nay là năm đầu tiên sinh viên năm nhất của Trường ĐH Công nghệ tới học tập tại cơ sở Hòa Lạc, vậy GS có thể chia sẻ đôi chút về vấn đề này và chương trình học tập dành cho sinh viên sẽ ra sao?
GS.TS Chử Đức Trình: Năm nay chúng ta đón chào nhiều thay đổi mới tại Trường Đại học Công nghệ, đặc biệt là việc sinh viên năm nhất học tập tại cơ sở Hòa Lạc. Điều này là một bước tiến quan trọng để cung cấp môi trường rèn luyện tốt nhất cho các em sinh viên trong quá trình học tập và phát triển cá nhân.
Nhà trường đã đầu tư để tạo ra môi trường đáp ứng cao cấp, đồng bộ về cơ sở vật chất và công nghệ, các khuôn viên học tập và sinh hoạt sẽ được thiết kế hiện đại, thoáng đãng, kết hợp giữa không gian tự nhiên và tiện nghi.
Chương trình học tập tại cơ sở Hòa Lạc sẽ được thiết kế sao cho tối ưu hóa sự tiện lợi và chất lượng của việc học tập và được tập trung vào 5 nội dung chính gồm: Đổi mới nội dung các môn học trong chương trình giáo dục thể chất, thể thao dành cho sinh viên năm thứ nhất; Bổ sung, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, đào tạo, rèn luyện các kỹ năng cơ bản, thiết yếu dành cho sinh viên; Đẩy mạnh, tạo không gian phát triển mô hình các câu lạc bộ cho sinh viên tại khu đô thị ĐHQGHN Hòa Lạc; Tăng cường công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho sinh viên; Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức triển khai chương trình Tuần lễ hội nhập đầu năm học cho sinh viên từ khóa QH.2023 học tập tại Hòa Lạc.
Chúng tôi hướng đến một mô hình giáo dục toàn diện cho sinh viên học tập tại Trường Đại học Công nghệ, cơ sở Hoà Lạc.
– Năm 2023, ĐHQGHN nói chung và Trường ĐH Công nghệ nói riêng đang thực hiện chương trình giáo dục toàn diện cho sinh viên, vậy GS có thể chia sẻ sâu hơn cho phụ huynh và sinh viên biết về mô hình này?
GS.TS Chử Đức Trình: Từ “toàn diện” trong mô hình giáo dục mà chúng tôi đề cập đến thể hiện mong muốn chuẩn đầu ra của người học là sự toàn diện. Chuẩn đầu ra này không chỉ liên quan đến kiến thức, không giới hạn trong phạm vi kỹ năng mềm, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác.
Một ví dụ điển hình là kỹ năng trong việc xây dựng và quản lý động lực, một khả năng mà chúng tôi cho rằng người trẻ cần phấn đấu để phát triển. Một ví dụ khác là kỹ năng học tập suốt đời. Kỹ năng giúp cho sinh viên thành công trong việc nắm bắt sự thay đổi nhanh chóng của thời đại này.
Để thực hiện những mục tiêu đó, chúng tôi xây dựng một chương trình học tập linh hoạt và tạo ra môi trường học tập năng động, sáng tạo, cùng với việc xây dựng một văn hóa học tập và làm việc nhằm thúc đẩy sự phát triển của những kỹ năng toàn diện này.
Bên cạnh việc trang bị kiến thức chuyên môn, phẩm chất đạo đức của người học và kỹ năng liên quan đến giáo dục thể chất và thể thao cũng là những yếu tố quan trọng mà chúng tôi đang đề cao. Việc khuyến khích sinh viên phát triển sở thích trong lĩnh vực này là một trong những mục tiêu mà chúng tôi đặt ra.
Mô hình giáo dục toàn diện này mang lại sự phát triển đa chiều, giúp sinh viên phát triển những năng lực cần thiết để đối mặt với môi trường công việc và cuộc sống ngày càng phức tạp. Đồng thời, nó cũng khuyến khích sự sáng tạo và khả năng thích nghi, giúp họ tự tin và thành công trong mọi lĩnh vực. Điều này thể hiện triết lý giáo dục của chúng tôi.
Đáp ứng đầy đủ các điều kiện về ở nội trú cho sinh viên
– Nhà trường ngoài đào tạo kiến thức chuyên môn cho sinh viên, nhà trường hướng đến đẩy mạnh, tạo không gian phát triển mô hình các câu lạc bộ cho sinh viên tại khu đô thị ĐHQGHN Hòa Lạc để tăng khả năng văn thể mỹ, tăng sức khỏe cho người học. GS có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
GS.TS Chử Đức Trình: Tại Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN (UET), chúng tôi đề cao việc phát triển cả kỹ năng học thuật và kỹ năng mềm, cùng việc xây dựng môi trường giao lưu, kết nối xã hội trong suốt quá trình học tập. Điều này giúp các sinh viên phát triển toàn diện và hòa nhập một cách tích cực vào môi trường đại học.
Nhiều các Câu lạc bộ/Tổ/Đội/Nhóm được thành lập trên các mảng hoạt động khác nhau như: Học thuật, Văn nghệ, Thể dục thể thao, Sở thích …. Các bạn sẽ được tham gia các sự kiện, cuộc thi và hoạt động thú vị như: Ngày hội câu lạc bộ; Team building; Đại sứ Hòa Lạc; Hội thao; Ý tưởng sáng tạo Công nghệ…
Các hoạt động không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe mà còn tạo cơ hội tốt để giao lưu, tạo mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và các cán bộ khác trong trường. Các hoạt động cũng sẽ được thiết kế nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản theo hướng tăng cường các hoạt động trải nghiệm, các kỹ năng sinh tồn …
– Thưa GS, hiện nay tình trạng người học, đặc biệt là sự vô độ và mất kiểm soát khi thường xuyên tiếp xúc mạng xã hội từ học sinh phổ thông. Và rất nhiều học sinh gặp vấn đề về vấn đề sức khỏe tâm thần, ảnh hưởng tâm lý cực đoan, dẫn đến nhiều nguy cơ cho cả sức khỏe bản thân và xã hội? vậy nhà trường đã có biện pháp gì để giúp người học giải quyết được vấn đề này?
GS.TS Chử Đức Trình: Có lẽ đây là vấn đề mang tính toàn cầu, theo tôi nó là một trong những mặt trái của sự phát triển, mặt trái của công nghiệp hóa. Để giải quyết tốt vấn đề này, Nhà trường rất cần một sự đồng hành của nhiều bên liên quan bao gồm các thầy cô, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, các doanh nghiệp, các phụ huynh và gia đình, với trung tâm là các em sinh viên. Trường ĐHCN xác định năm thứ nhất là thời điểm tối ưu nhất để bắt đầu định hướng phương pháp học tập, rèn luyện các kỹ năng sống, thái độ trách nhiệm cho các bạn sinh viên.
Do đó, học tập trung năm thứ nhất tại Hòa Lạc với đầy đủ các điều kiện về ở nội trú 100%, gắn với môi trường học tập, thể dục thể thao, văn hóa, và tham gia các câu lạc bộ sinh viên là điều kiện lý tưởng để các sinh viên bắt đầu phát triển và dần dần hoàn thiện các kỹ năng sống như những công dân trưởng thành và trách nhiệm trong xã hội và cộng đồng. Môi trường học tập năm thứ nhất cũng quyết định khả năng vượt sốc thành công đối với tất cả các sinh viên khi chuyển từ học sinh PTTH, sống cùng bố mẹ sang môi trường sinh viên và dần dần độc lập với gia đình.
Bên cạnh công tác phát hiện các sinh viên xuất sắc để có những định hướng đào tạo cá thể cho các bạn thông qua tham gia vào các nhóm nghiên cứu của các thầy cô, Trường ĐHCN cũng đang triển khai các hoạt động phát hiện sinh viên cần hỗ trợ về chuyên môn, về tâm lý và đặc biệt tập trung vào rèn luyện kỹ năng mềm bao gồm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, làm việc nhóm và nuôi dưỡng thái độ và tinh thần trách nhiệm của mỗi sinh viên.
– Cơ sở Hòa Lạc là khu biệt lập nội đô, vậy nhà trường có kế hoạch đào tạo và hỗ trợ sinh viên như thế nào trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh trật tự cho sinh viên khi theo học nơi đây?
GS.TS Chử Đức Trình: Như thông tin đã trao đổi, sinh viên năm nhất của Trường Đại học Công nghệ sẽ được học tập nội trú 100% và công tác đảm bảo an toàn, an ninh và trật tự cho sinh viên cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi khi triển khai chương trình học tại cơ sở Hòa Lạc.
Trong kế hoạch học tập của sinh viên tại Hoà Lạc. Nhà trường đã xây dựng các phương án như:
Hướng dẫn và quy định: Sinh viên được cung cấp hướng dẫn về quy định an toàn và an ninh tại khu vực học tập, về cách hành xử trong trường hợp khẩn cấp, cách báo cáo về các tình huống bất thường, và cách thông tin với lực lượng bảo vệ qua việc lồng ghép đa dạng hoá vào các chương trình được Nhà trường triển khai như Hội thảo, sân khấu hoá, truyền thông online trên các website, fanpage, nhóm…
Hệ thống an ninh và kiểm soát: Trong khuôn viên của Trường có hệ thống an ninh và kiểm soát chặt chẽ. Điều này có thể bao gồm hệ thống thẻ ra vào, hệ thống camera giám sát, và lực lượng bảo vệ.
Liên kết với cơ quan chức năng: Nhà trường có sự hợp tác với cơ quan chức năng: công an, lực lượng quân đội và các cơ quan an ninh tại khu vực để đảm bảo an toàn và an ninh cho khuôn viên.
Hỗ trợ tâm lý: Ngoài các biện pháp về an toàn vật chất, nhà Trường cung cấp dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho sinh viên để giúp sinh viên cảm thấy an toàn và tự tin khi học tập tại khu vực biệt lập.
– Nhiều tân sinh viên và phụ huynh còn băn khoăn lo lắng khi bản thân, con/em mình sẽ bị “ngợp”, hay “shock” khi bước vào môi trường đại học. Thầy có thể chia sẻ thêm về phương pháp học tập bậc đại học, cũng như môi trường học tập, nghiên cứu, rèn luyện tại UET để các sinh viên, phụ huynh có thể tự tin, yên tâm phát triển trong môi trường mới?
GS.TS Chử Đức Trình: Tất nhiên, sự băn khoăn và lo lắng là điều bình thường khi tân sinh viên chuẩn bị bước vào môi trường đại học. Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ rằng Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN (UET) đã có những phương pháp học tập và môi trường học tập, nghiên cứu, rèn luyện được xây dựng để giúp các sinh viên và phụ huynh tự tin và yên tâm trong việc phát triển trong môi trường mới. Cụ thể:
Phương pháp học tập tại Trường ĐH Công nghệ (UET) là linh hoạt, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia vào các khóa học tùy chọn, dự án thực tế và nghiên cứu khoa học, từ đó tăng cường khả năng tự quản lý học tập và tư duy độc lập.
UET kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành, từ việc tham gia vào các dự án, nghiên cứu thực tế, đảm bảo sinh viên được áp dụng kiến thức vào thực tế, giúp họ hiểu rõ hơn về ứng dụng của kiến thức trong cuộc sống và công việc.
UET đã đầu tư xây dựng môi trường học tập hiện đại, trang bị phòng thí nghiệm, phòng máy tính, thư viện và các trung tâm nghiên cứu chất lượng. Điều này giúp sinh viên tiếp cận tới tài liệu, công cụ và thiết bị cần thiết để thực hiện nghiên cứu và học tập.
Đội ngũ giảng viên tại UET không chỉ là những người giảng dạy mà còn là những người hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu. Họ sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ giải quyết những khó khăn mà sinh viên gặp phải.
UET cũng quan tâm đến tình hình tâm lý của sinh viên. Có các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, tư vấn học tập và tư vấn sự nghiệp để giúp sinh viên thích nghi và vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập.
– Xin trân trọng cám ơn GS!
Bài viết báo chí:
VOV2: Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ: “Đô thị Hòa Lạc là môi trường học lý tưởng”
Vietnamnet: Trường ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội công bố điểm chuẩn năm 2023
Báo Đại biểu nhân dân: GS.TS Chử Đức Trình: “Trường ĐH Công nghệ triển khai mô hình giáo dục toàn diện cho sinh viên học tập tại Hòa Lạc”
Theo Báo Đại biểu nhân dân