Chương trình Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử của Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) là sản phẩm hợp tác của 3 đơn vị là Trường Đại học Công nghệ, Viện Cơ học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt

Chuyên ngành Công nghệ màn hình tiên tiến: Thêm cơ hội phát triển nghề nghiệp cho UETers từ mô hình Trường – Viện – Doanh nghiệp

Bắt đầu

End

Chương trình Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử của Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) là sản phẩm hợp tác của 3 đơn vị là Trường Đại học Công nghệ, Viện Cơ học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) và Tổng công ty IMI. Sau 10 năm triển khai, đến nay Trường ĐH Công nghệ đã có chương trình đào tạo với chất lượng cao là chương trình Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử. Tiếp nối thành công trong mô hình hợp tác Trường – Viện – Doanh nghiệp, Khoa đã mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, trong đó có Công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng (LGDVH) về việc mở chuyên ngành Công nghệ màn hình tiên tiến.

Những chia sẻ dưới đây của PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng – Chủ nhiệm khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa khẳng định tiềm năng của chuyên ngành đào tạo này.

PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng (áo đen) tham quan trung tâm đào tạo của LGDVH

Thưa PGS.TS Phạm Mạnh Thắng, xuất phát từ thực tiễn như thế nào Khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa hợp tác với LGDVH xây dựng chuyên ngành đào tạo Công nghệ màn hình tiên tiến?

Vào thời điểm dịch Covid bùng phát tại Việt Nam, việc đưa sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử đến thực tập tại các doanh nghiệp rất khó khăn và gặp nhiều hạn chế. Đến tháng 5/2022, Khoa có trao đổi với lãnh đạo LGDVH và nhận được sự hợp tác từ phía công ty về chương trình đưa sinh viên tham quan, trải nghiệm các dây chuyền sản xuất tại Hải Phòng. Qua các hoạt động này, hai bên đã xây dựng được mối quan hệ gắn kết và hiểu biết lẫn nhau với nhiều điểm chung trong lĩnh vực tự động hóa.  

Được sự ủng hộ của Đại học Quốc Gia Hà Nội và Ban Giám hiệu trường Đại học Công nghệ, từ năm 2022 và đặc biệt sau bản ký kết giữa Giám đốc ĐHQGHN và LG Display, Tháng 5/2023 Trường ĐHCN đã chủ động cùng LG Display trao đổi, đặt nền móng cho sự hợp tác giáo dục giữa hai bên. Xuất phát từ nhu cầu về nhân lực của công ty trong lĩnh vực phát triển tự động hóa màn hình, đồng thời công nghệ màn hình là lĩnh vực công nghệ cao, được ứng dụng khắp nơi phục vụ đời sống con người, nên hai bên cùng đề xuất xây dựng và phát triển chuyên ngành Công nghệ màn hình tiên tiến. Cùng với sự phát triển của nền công nghiệp cao, xu hướng công nghệ 4.0 mở các chuyên ngành đáp ứng xu thế của nền công nghiệp sẽ giúp sinh viên tiếp cận công nghệ công nghiệp, công nghệ cao trong sản xuất, bên cạnh đó chương trình còn tạo điều kiện giúp sinh viên có việc làm thu nhập cao. Đồng thời, chương trình cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho công ty LGDVH.

Ngày 30/8/2023, Trường Đại học Công nghệ và LGDVH đã ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo, nghiên cứu và xây dựng chuyên ngành Công nghệ màn hình tiên tiến

Lựa chọn theo học chuyên ngành Công nghệ màn hình tiên tiến, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử sẽ nhận được những lợi thế vượt trội như thế nào thưa ông?

Chuyên ngành Công nghệ màn hình tiên tiến do Khoa và LGDVH hợp tác đào tạo thuộc chương trình đào tạo Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử, sinh viên bắt đầu chia chuyên ngành từ năm thứ 3. Chuyên ngành bao gồm những môn học cung cấp kiến thức chuyên môn trực tiếp trong lĩnh vực Tự động hóa như Hệ thống cơ điện tử, Lập trình PLC, Điều khiển khí nén, Kỹ thuật đo lường và điều khiển, Robot tự động hóa công nghiệp. Ngoài ra  chương trình còn được đưa đến những nội dung được xây dựng bởi chính các chuyên gia LG như Môn học kỹ thuật màn hình cơ sở – cung cấp cho sinh viên kiến thức tổng quan về ngành công nghiệp display về xu hướng phát triển cũng như nguyên lý hoạt động và chế tạp màn hình; môn học 6sigma cung cấp kiến thức và kỹ năng giải quyết vấn đề nhằm cải tiến, nâng cao hiệu suất cho sản xuất.

Ngoài việc xây dựng các môn học liên quan đến công nghệ, kỹ thuật sản xuất, lợi thế vượt trội của sinh viên theo học chuyên ngành Công nghệ màn hình tiên tiến tại UET còn được đào tạo ngôn ngữ tiếng Hàn – một trong những yếu tố quan trọng giúp các em tự tin và hòa nhập môi trường doanh nghiệp Hàn Quốc. Mục tiêu thành lập lớp đầu tiên 25 sinh viên với kỳ vọng là bước tiền đề phát triển cho các năm tiếp theo.

Sinh viên Trường ĐH Công nghệ chụp ảnh kỉ niệm tại LGDVH

Sinh viên tham gia chuyên ngành này có điều kiện học tập trực tiếp tại doanh nghiệp, có điều kiện sử dụng cơ sở vật chất hiện đại, tiếp cận kiến thức thực tế vì công ty LGDVH có khối đào tạo và nhiều phòng thí nghiệm tương ứng. Đặc biệt, LGDVH sẽ là đơn vị tài trợ mọi chi phí về ăn ở đi lại khi sinh viên học tập tại Hải Phòng.

Bên cạnh đó, sinh viên được giảng dạy những kiến thức bởi các kỹ sư cao cấp được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có kiến thức thực tế nên những kiến thức sinh viên tiếp thu được sẽ phù hợp với môi trường công nghiệp. Ngoài ra, khi học tập trực tiếp tại doanh nghiệp sinh viên phải thích nghi và trau dồi kỹ năng, nề nếp, thực hiện chuẩn 5S, 6Sigma… cũng như các chuẩn công nghiệp. Khi sinh viên được tham quan, trực tiếp làm việc tại các dây chuyền sản xuất sẽ áp dụng được kiến thức vào thực tế và phương pháp giải quyết các bài toán cụ thể.

PGS chia sẻ thêm về những kinh nghiệm hợp tác và mô hình hợp tác Trường – Viện – Doanh nghiệp của Khoa Cơ học Kỹ thuật và Tự động hóa, đặc biệt với một đối tác lớn như LGDVH ?

Dựa trên thế mạnh và sự thành công về mô hình phối thuộc giữa Trường Đại học Công nghệ và Viện Cơ học (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam), Khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa trong nhiều năm qua đã phát triển mối quan hệ hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều đối tác như Viện máy và dụng cụ Công nghiệp IMI, Viện nghiên cứu cơ khí. Trong đó, LGDVH là một trong những hợp tác điển hình với doanh nghiệp nước ngoài mà Khoa đang triển khai có hiệu quả.

Ngày 11/11/2023, Trường Đại học Công nghệ đã phối hợp với Viện Cơ học tổ chức thành công Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 về Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa (ICEMA 7)

Mô hình hợp tác Trường – Viện – Doanh nghiệp đã góp phần xây dựng và phát triển quy mô đào tạo của Khoa như hiện nay, từ 33 sinh viên khóa K49 đầu tiên đến nay Khoa đã có hơn 1.300 sinh viên. Điều đó cho thấy mô hình này đã huy động và tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao giảng dạy cho sinh viên đến từ môi trường nghiên cứu hàn lâm đến môi trường doanh nghiệp thực tế.  Sự phối hợp này giúp sinh viên được các doanh nghiệp đánh giá cao về mức độ thực tế, kỹ năng thực hành, kỹ năng thích nghi thực tế công nghiệp. Kết quả này đã phản ánh thực chất sự hợp tác trong mô hình Trường – Viện – Doanh nghiệp.

Với những kết quả thành công như vậy, Khoa tiếp tục kế thừa, phát triển và nhân rộng mô hình này với nhiều viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước, quốc tế trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Những kỳ vọng nhằm phát triển chuyên ngành Công nghệ màn hình tiên tiến, cũng như hoạt động hợp tác nghiên cứu được Khoa Cơ học Kỹ thuật và tự động hóa và LGDVH đặt ra trong thời gian tới là gì, thưa PGS?

Chuyên ngành Công nghệ màn hình tiên tiến là bước đi ban đầu tốt đẹp giữa hai bên, hiện thực hóa ký kết thành những bước đi thực tế. Chương trình là sự thể hiện con đường liên kết giữa các trường đại học với doanh nghiệp thực tế cần kỹ sư công nghệ cao. Trong thời gian tới, Khoa hi vọng việc hợp tác sẽ phát triển tăng dần số lượng sinh viên mà doanh nghiệp yêu cầu. Mặt khác, chương trình sẽ góp phần tăng sức hấp dẫn đối với chương trình đào tạo để thu hút tuyển sinh. Việc hợp tác giữa Khoa và LGDVH còn góp phần tăng mối quan hệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, không chỉ dừng lại ở việc đào tạo nhân lực mà còn hướng đến hỗ trợ trong một số lĩnh vực khác.

Đặc biệt trên cơ sở hợp tác, hai bên sẽ có nguồn nhân lực ổn định, được đào tạo về kiến thức kỹ thuật cơ bản, lẫn tiếp thu kiến thức công nghệ trong lĩnh vực màn hình. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ màn hình tiên tiến tại UET, không chỉ có cơ hội việc làm rộng mở, mà còn trở thành nguồn nhân lực trọng điểm trong tương lai cho ngành này.

(UET-News)

Thêm mô tả