ChatGPT “mở đường” cho đột phá thay đổi, điều chỉnh về chính sách và công việc
Bắt đầu
End
“Cơn sốt” về phần mềm ứng dụng ChatGPT đang được rất nhiều người quan tâm, Báo điện tử Đại biểu Nhân dân đã trao đổi với TS. Trần Quốc Long, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo – Trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
ChatGPT sẽ thay thế nhiều công việc lặp đi lặp lại
– Thưa ông,“cơn sốt” về phần mềm ứng dụng ChatGPT đang được rất nhiều người quan tâm và bàn luận trên nhiều diễn đàn, thậm chí nhiều người Việt Nam đang rất tò mò và tìm cách để có ứng dụng này. Ông có thể phân tích cụ thể hơn về phần mềm ChatGPT?
TS. Trần Quốc Long: Phần mềm ChatGPT là kết quả của quá trình phát triển khá lâu dài của họ các phần mềm/mô hình Học máy về ngôn ngữ tự nhiên có tên GPT của công ty OpenAI. Đây là họ các mô hình Học máy cỡ lớn, lên đến hàng trăm tỷ tham số.
Trong khi các mô hình trước đó chỉ được huấn luyện dựa trên các bộ dữ liệu lớn, ChatGPT được tinh chỉnh thêm với các kỹ thuật cho phép con người tham gia vào quá trình huấn luyện để tăng cường khả năng sinh ra văn bản phù hợp, tự nhiên hơn.
– Cảm nhận của ông khi sử dụng ChatGPT như thế nào?
TS. Trần Quốc Long: Tôi có cảm giác phấn khích vì đây là một tiến bộ đáng kể trong chuyên môn mà tôi theo đuổi. Tất nhiên sau khi sử dụng, kiểm tra một thời gian, tôi nhận thấy việc sử dụng ChatGPT trong công việc tại thời điểm hiện tại đòi hỏi chuyên môn (có thể khá sâu) để phân biệt các nội dung chính xác và chưa chính xác được ChatGPT tạo ra.
Ngoài ra, các đoạn văn do ChatGPT tạo ra mặc dù đã rất phức tạp, cho thấy khả năng suy luận nhưng nhiều khi vẫn lòng vòng, lặp lại.
TS. Trần Quốc Long, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo – Trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN)
– Có ý kiến cho rằng, sự ra đời của ChatGPT sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều ngành nghề, trong đó có ngành giáo dục và truyền thông là những ngành chịu tác động đầu tiên và lớn nhất, sau đó mới đến các ngành khác, ý kiến của ông như thế nào?
TS. Trần Quốc Long: Chắc chắn một số ngành liên quan đến văn bản như giáo dục, truyền thông, lập trình… sẽ có sự biến động lớn, có thể một số công việc sẽ mất đi nhưng sẽ có nhiều công việc mới được thêm vào như các lần có sự đột phá về công nghệ trước đó do con người rất sáng tạo, khi có công cụ mới con người càng sáng tạo được nhiều hơn.
Ở lần này, con người sẽ phải bổ sung các công việc có tính chất sáng tạo, còn các công việc lặp đi lặp lại hoặc có thể tra cứu được sẽ bị các mô hình Trí tuệ nhân tạo như ChatGPT thay thế.
Tuy nhiên, chúng ta nên suy nghĩ một cách tích cực, thay đổi này là khách quan và sẽ tốt cho xã hội nói chung vì năng suất rất cao. Các ngành khác cũng sẽ bị ảnh hưởng rất sớm thôi vì các mô hình Trí tuệ nhân tạo sẽ sớm thâm nhập các ngành đó với sự mở đường của ChatGPT.
Việc phát hiện ra gian lận bằng ChatGPT không khó
– Sự phát triển của ChatGPT khiến nhiều người lo lắng rằng đây là một con dao hai lưỡi là người học sẽ sử dụng nó như một công cụ để gian lận; ChatGPT sẽ khiến giáo viên không còn phân biệt được học sinh lười và học sinh chăm, ông nghĩ sao?
TS. Trần Quốc Long: Như đã nói ở trên, ở thời điểm hiện tại, do dữ liệu huấn luyện ChatGPT rất khổng lồ nhưng lại không cập nhật mới nhất, việc phân biệt kết quả do ChatGPT sinh ra là đúng hay sai nhiều khi cần chuyên môn khá sâu.
Với những người mới học một kiến thức nhất định, việc sử dụng ChatGPT chỉ có tác dụng giúp “có điểm” mà không giúp người đó “có kiến thức” do không có khả năng phân biệt đúng/sai.
Đồng thời, nếu học từ ChatGPT thì cũng không thể chắc chắn là kiến thức thu được là chính xác hay không. Do đó, việc phụ thuộc vào ChatGPT sẽ khiến sinh viên mất cơ hội học tập và phát triển tư duy khoa học, khả năng phản biện – một kỹ năng quan trọng trong thời đại ngày nay.
Việc phát hiện ra gian lận bằng ChatGPT không khó, hiện đã có các mô hình AI khác phát hiện việc gian lận bằng ChatGPT một cách tự động.
Tuy nhiên cuối cùng mọi việc vẫn quay về với ý thức và mục tiêu học tập của mỗi người.
Chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là tận dụng triệt để sức mạnh thời đại trong công cuộc hiện đại hoá đất nước.
Trong tình hình thế giới có nhiều biến động xã hội, phát triển công nghệ vượt bậc như vậy, “tàu đã rời ga” mà chúng ta không chịu “bước lên tàu” để phát triển cùng thì sẽ tụt hậu với những suy nghĩ, tư duy lạc hậu.
Việc cấm sử dụng ChatGPT (nếu có) chỉ có tác dụng trong ngắn hạn và chỉ có thể coi là bước đệm để xã hội, pháp luật, cơ quan nhà nước, người dân kịp thích nghi với thay đổi.
Dù cấm hay không thì con người, học sinh, sinh viên và cả giảng viên vẫn sẽ sử dụng ChatGPT và công cụ tương tự để hỗ trợ họ thực hiện công việc (vì năng suất rất cao).
Như vậy, ngành giáo dục phải thích nghi với sự phát triển khách quan và đưa ra các đề xuất điều chỉnh về pháp luật, hướng dẫn phù hợp để hạn chế các mặt tiêu cực (ví dụ: gian lận thi cử), phát huy các mặt tích cực của nó.
– Vị trí người thầy có bị thay đổi vì ChatGPT không thưa ông?
TS. Trần Quốc Long: Người thầy sẽ được tôn vinh hơn vì từ giờ người thầy sẽ là những người hướng dẫn, hun đúc sự sáng tạo trong học sinh, sinh viên. Với sự xuất hiện của ChatGPT và các công nghệ tương tự, người thầy cũng phải thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển.
Cần phát triển các công nghệ tương tự trong tay người Việt
– AI tạo sinh và các sản phẩm dựa trên công nghệ như ChatGPT chắc chắn xu thế công nghệ AI trong tương lai sẽ thay đổi rất nhiều. Với sự thay đổi mạnh mẽ như vậy thì các cơ quan quản lý cần có hành động và chiến lược gì để quản lý sự phát triển này đi đúng hướng, tích cực, tránh rủi ro, thưa ông?
TS. Trần Quốc Long: Tôi mong các ngành, đặc biệt là các ngành Giáo dục, Thông tin truyền thông sớm nghiên cứu, đề xuất thay đổi trong hướng dẫn hoặc luật pháp để điều chỉnh hành vi sử dụng các phần mềm, mô hình Trí tuệ nhân tạo.
Sự thay đổi đột phá này theo tôi nghĩ là điều tốt, giúp các cá nhân cũng như tổ chức, cơ quan nhà nước phải vận động để tận dụng triệt để sức mạnh của thời đại, theo tinh thần của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc hiện đại hoá đất nước.
Cá nhân tôi có một nỗi lo là nếu chúng ta chỉ sử dụng các mô hình Trí tuệ nhân tạo của nước ngoài tạo ra thì sẽ mất chủ quyền về tri thức, về bản ngã của người Việt. Sau này con em chúng ta sẽ hỏi các mô hình Trí tuệ nhân tạo của nước ngoài về cha ông, về lịch sử dân tộc, đây là điều hết sức nguy hiểm.
Với sự xâm thực văn hoá bằng công nghệ như vậy, rõ ràng, Nhà nước phải có chính sách bảo vệ bằng cách phát triển các công nghệ tương tự trong tay người Việt.
Nhu cầu nhân lực cho ngành Trí tuệ nhân tạo tăng cao
– Sau “cơn sốt” của ChatGPT, chắc hẳn các cơ sở đào tạo về Trí tuệ nhân tạo phải thay đổi hay bổ sung về chương trình đào tạo?
Các cơ sở đào tạo có thể bổ sung các bài giảng, nghiên cứu chuyên đề về ChatGPT và các mô hình tương tự. Tuy nhiên, các công nghệ, cơ sở khoa học của ChatGPT không phải là kiến thức quá mới, do đó, về mặt chương trình đào tạo, không cần phải có sự thay đổi đáng kể.
– Thí sinh muốn vào học ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) thì cần phải có những yếu tố gì? ngành học AI đào tạo như thế nào? xu hướng phát triển của ngành học này trong tương lai ra sao thưa ông?
TS. Trần Quốc Long: Nhu cầu nhân lực cho ngành Trí tuệ nhân tạo (TTNT) sẽ còn tăng cao do nhu cầu ứng dụng TTNT vào các mặt của đời sống còn rất lớn (không chỉ có văn bản). Với ngành TTNT của trường ĐH Công nghệ, chúng tôi đào tạo giai đoạn cơ bản gần giống với Khoa học máy tính, tuy nhiên bổ sung các môn cơ bản về xử lý dữ liệu, mô hình toán & tối ưu hoá.
Trong các năm chuyên ngành (từ cuối năm thứ hai), các môn học về các giai đoạn, các mặt của việc xây dựng, triển khai, bảo trì sản phẩm có yếu tố Trí tuệ nhân tạo được chúng tôi chú trọng. Đến năm cuối, sinh viên được chọn học các môn học Ứng dụng TTNT trong các ngành, nhóm ngành mà ĐH Quốc gia Hà Nội có thế mạnh.
Sinh viên học ngành TTNT cần xây dựng cho mình một tập hợp các kiến thức, kỹ năng, thái độ, trong đó chú trọng vào tư duy khoa học, khả năng ứng dụng toán học trong mô hình hoá, thuật toán, kỹ năng thiết kế, cài đặt, triển khai và bảo trì hệ thống và khả năng ngoại ngữ.
– Xin trân trọng cảm ơn ông!