Xứng đáng với niềm tin
Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN), ĐHQGHN tập huấn đội tuyển quốc gia tham gia cuộc thi Olympic Tin học quốc tế (IOI) vàOlympic Tin học châu Á-Thái Bình Dương (APIO) (từ năm 2013). Đây là năm thứ 5 liên tiếp Trường ĐHCN đảm đương trọng trách này. PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin (CNTT) đã có những chia sẻ về hoạt động huấn luyện và tổ chức thi của Nhà trường.
PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin
Thưa PGS, nhiệm vụ huấn luyện và tổ chức thi chọn đội tuyển Olympic tin học quốc tế có ý nghĩa như thế nào đối với Nhà trường?
Việt Nam bắt đầu tham dự Olympic Tin học Quốc tế từ năm 1989 và đã giành được thành tích cao qua các năm. Người thầy đầu tiên phát động phong trào và đề xuất đoàn Việt Nam tham gia thi IOI là PGS.TS. NGND. Hồ Sĩ Đàm và trong 10 năm đầu thầy đã tham gia dẫn đoàn với tư cách là Trưởng đoàn. Năm 1999, đội tuyển Việt Nam đã xếp hạng nhất toàn đoàn vào kỳ Olympic Tin học Quốc tế ở Thổ Nhĩ Kỳ trong số 67 quốc gia tham dự.
Luôn trăn trở với sự phát triển của bộ môn Tin học, năm 2010, PGS.TS. NGND. Hồ Sĩ Đàm đã đưa ra kiến nghị nên để môn Tin học cho Khoa CNTT, Trường ĐHCN tổ chức thi và tập huấn. Vì đội ngũ cán bộ Khoa CNTT đã có nhiều năm kinh nghiệm và tham gia ra đề các kỳ thi ACM/ICPC cấp sinh viên. Đồng thời, Trường ĐHCN cũng tập trung các giảng viên đã từng tham gia thi IOI cũng như huấn luyện đội tuyển quốc tế như PGS.TS. Nguyễn Việt Hà, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, PGS.TS. Lê Sỹ Vinh, PGS. TS. Bùi Thế Duy… Do vậy từ năm 2011, Bộ GD&ĐT đã giao nhiệm vụ tập huấn đội tuyển cho Khoa CNTT, Trường ĐHCN.
Trong suốt quá trình tập huấn, tập thể các thầy đến từ nhiều đơn vị trong khắp cả nước với sự ủng hộ của lãnh đạo Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, đã đề xuất thêm về việc đoàn Việt Nam nên tham gia kỳ thi Olympic Tin học châu Á -Thái Bình Dương (APIO). Bộ GD&ĐT đã phê duyệt đề nghị này và đến năm 2013, đoàn Việt Nam đã tham dự cả hai cuộc thi APIO và IOI. Từ đó, Trường ĐHCN vừa tổ chức thi, tuyển chọn vừa trực tiếp tổ chức tập huấn cho các thí sinh trong đội tuyển với đội ngũ các thầy đến từ nhiều trường đại học, trường chuyên trong cả nước.
Ngoài ra, từ khâu tổ chức đến tập huấn của kỳ thi đều được lãnh đạo cấp Trường và cấp Khoa ủng hộ, quan tâm. Đồng thời, Nhà trường luôn coi đây là nhiệm vụ của đơn vị, từ đó vị trí và uy tín của Trường đã tăng lên đối với những học sinh giỏi Tin học. Điều này thể hiện bằng việc đa số các học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế về Tin học đều đăng ký tuyển thẳng vào Trường ĐHCN.
Quá trình tập huấn với các thí sinh trong đội tuyển diễn ra như thế nào?
Sau khi lựa chọn được đội tuyển để tham dự các kỳ thi tin học khu vực và quốc tế, Trường sẽ phụ trách tập huấn học sinh trong khoảng thời gian 2-3 tháng. Nhà trường sẽ mời những giảng viên giỏi, có kinh nghiệm từ các trường như Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm và các trường chuyên ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh… để tập huấn đội tuyển. Trường còn tổ chức trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn của những học sinh trong các cuộc thi trước. Để thuận lợi cho việc đi lại và học tập của thí sinh địa điểm sinh hoạt và tập huấn sẽ trực tiếp tại Trường ĐHCN, ĐHQGHN.
Đoàn học sinh tham dự cuộc thi Olympic Tin học quốc tế do PGS.TS. Phạm Bảo Sơn (ngoài cùng, bên phải ảnh) làm Trưởng đoàn
Thưa PGS, từ năm 2011 đến nay Khoa đã có những đề xuất cải tiến về cách thức tổ chức thi và tập huấn như thế nào?
Sau khi tham gia dẫn các đoàn Việt Nam dự thi Olympic tin học quốc tế, chúng tôi nhận thấy rằng các kỳ thi tin học của quốc tế đã có những cải tiến về phương thức và cách thức thi. Năm 2013, Khoa đã làm đầu mối cùng với đội ngũ các thầy giảng dạy môn Tin học đã viết đề án đề xuất Bộ GD&ĐT đổi mới thi chọn đội tuyển và thi theo hình thức thi quốc tế – thi trực tuyến là cách thi các thí sinh làm bài và biết điểm luôn. Trường ĐHCN trực tiếp phụ trách mảng kỹ thuật và hệ thống đối với kỳ thi APIO và vòng tuyển chọn đội tuyển quốc tế.
Trước 1 tháng diễn ra kỳ thi, Nhà trường đã phải chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ kỹ thuật và phối hợp cùng Ban ra đề thi do Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục chọn. Đặc biệt, Ban ra đề là công tác quan trọng nhất. Vì các thầy phải chuẩn bị bộ test và đề để máy tính chấm ngay tại thời điểm đó nên không được phép có sai sót. Còn đối với kỳ thi APIO, Nhà trường phải phụ trách tổ ra đề làm việc với Ban ra đề quốc tế rồi chọn đề, dịch đề ra tiếng Việt, chuẩn bị hệ thống để kết nối sang hệ thống quốc tế.
Trong những năm vừa qua, thầy Hồ Đắc Phương – cán bộ Khoa Công nghệ thông tin trực tiếp giảng dạy và phụ trách việc đẩy mạnh phong trào học tin học tại Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN. Ngoài ra, thầy Phương còn đi xuống các trường cấp 2 để chọn lựa và bồi dưỡng những học sinh giỏi thi vào các trường chuyên.
Đoàn học sinh chụp ảnh lưu niệm tại cuộc thi
Để các đội tuyển thi khu vực và quốc tế đạt thành tích cao thì yếu tố quan trọng là gì?
Đầu tiên, yếu tố quan trọng nhất phải là năng lực và nền tảng kiến thức về Toán hoặc Tin học của thí sinh. Các giảng viên chỉ là những người hỗ trợ, định hướng và cung cấp kiến thức nền một cách nhanh nhất cho thí sinh.
Yếu tố quan trọng tiếp theo là hình thức thi, kỹ năng thi của cuộc thi trong nước phải giống với các kỳ thi quốc tế. Ngay từ giai đoạn chọn đội tuyển, hình thức thi phải giống với kỳ thi quốc tế để có thể chọn được thí sinh có những kỹ năng phù hợp.
PGS có thể chia sẻ kỳ vọng của Khoa nói riêng và Nhà trường nói chung đối với công tác tổ chức thi và tập huấn đội tuyển trong thời gian tới ra sao?
Trong thời gian tới, Nhà trường và Khoa mong muốn có thể phát triển mạnh hơn nữa đội ngũ giảng viên tập huấn đội tuyển. Bởi vì, Tin học chưa phải là môn học chính thức nên khó để có đội ngũ giảng viên chuyên tâm. Năm nay với kết quả đoàn Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và sự đổi mới của Bộ GD&ĐT về chính sách, Khoa hi vọng phong trao tham gia các kỳ thi Tin học quốc tế của các trường nói chung và học sinh nói riêng sẽ có khởi sắc.
Theo Tuyết Nga (Tạp chí VNU số 296)