Ngày 11/01/2023, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông, TS. Ma Thị Châu – Giảng viên khoa Công nghệ thông tin vinh dự được nhận Giải

02 Nhà giáo Trường Đại học Công nghệ nhận giải thưởng danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022

Bắt đầu

End

    Ngày 11/01/2023, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông, TS. Ma Thị Châu – Giảng viên khoa Công nghệ thông tin vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà giáo của năm và Giải thưởng Nhà giáo tiêu biểu ĐHQGHN.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (ngoài cùng bên phải ảnh) và TS. Ma Thị Châu (ngoài cùng bên trái ảnh) đạt Giải thưởng Nhà giáo tiêu biểu ĐHQGHN năm 2022

   Sau quá trình bình xét và lựa chọn được 10 nhà giáo đạt danh hiệu Nhà giáo ĐHQGHN của năm, ĐHQGHN đã tiến hành lựa chọn 02 nhà giáo để trao Giải thưởng nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu. Với những thành tích xuất sắc trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, 02 nhà giáo của Trường Đại học Công nghệ là GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông, đạt giải thưởng trị giá 300 triệu đồng và TS. Ma Thị Châu – Giảng viên Khoa Công nghệ thông tin với giải thưởng trị giá 100 triệu đồng vì có nhiều đóng góp đối với ĐHQGHN nói riêng và có những ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà nói chung.

   GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông là chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Vật liệu – Kết cấu tiên tiến và Composite. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã công bố hơn 300 bài báo, báo cáo khoa học, trong đó có gần 200 bài trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín, tác giả của 2 bằng phát minh sáng chế. GS. Nguyễn Đình Đức là thành viên Hội đồng biên tập quốc tế của 10 tạp chí ISI có uy tín của thế giới. Ông từng là giáo sư nghiên cứu và thỉnh giảng của các trường đại học danh tiếng của thế giới như: Moscow State University; Mechanical Engineering Research Institute of Russian Academy of sciences (Liên bang Nga); Japan Advanced Institute of Sciences and Technology (JAIST – Nhật Bản); University of Birmingham (Vương quốc Anh), Sejong University (Hàn Quốc). Liên tục 4 năm liền, năm 2019, 2020, 2021, 2022, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức được Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ xếp hạng trong top 10.000 nhà khoa học có chỉ số trích dẫn ảnh hưởng nhất thế giới và đứng thứ 94 thế giới trong lĩnh vực Engineering năm 2022. Ông cũng là một trong số ít những nhà khoa học Việt Nam đã được Tạp chí này vinh danh trong danh sách 100.000 nhà khoa học được xếp hạng có trích dẫn khoa học ảnh hưởng thế giới theo thành tựu trọn đời.

   TS. Ma Thị Châu – Giảng viên Khoa Công nghệ thông tin với nhiều thành tích trong đào tạo và nghiên cứu khoa học theo hướng nghiên cứu và phát triển các ứng dụng đồ họa 3 chiều và hoạt cảnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nghiên cứu và phát triển các ứng dụng internet vạn vật dành cho người khuyết tật. Trong năm 2022, TS đã tham gia các khóa bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cho giảng viên ĐHQGHN; tập huấn hỗ trợ tăng cường đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích; nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu cho các nhà khoa học nữ. Về nghiên cứu khoa học, trong 5 năm gần đây TS là đồng tác giả của 11 công trình được đăng trên tạp chí và hội nghị quốc tế. Hiện nay, TS đang tham gia 06 đề tài gồm cấp Nhà nước, cấp ĐHQGHN, cấp Bộ, cấp Trường và Quỹ VinIF, đồng tác giả 01 sáng chế “Phương pháo và hệ thống nhận dạng khuôn mặt”. TS cùng nhóm nghiên cứu đã phát triển một số sản phẩm gồm Vitage – hệ thống được xây dựng để mô phỏng lại các vở diễn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, cùng sự kết hợp của công nghệ thực tế ảo; VR Wappup (Virtual Reality Water puppetry) – hệ thống thực tại ảo được xây dựng để trình diễn 3D các vở rối nước truyền thống; VR VNUH (Virtual Reality Vietnam National University, Hanoi) – hệ thống thực tại ảo được xây dựng mô phỏng campus Đại học Quốc gia Hà Nội; VR Văn Miếu (Virtual Reality Văn Miếu Quốc Tử Giám) – hệ thống thực tại ảo được xây dựng mô phỏng quần thể Văn Miếu Quốc Tử Giám; IOT smartbox: là hệ thống điều khiển thiết bị điện tử từ xa hỗ trợ cho những người bị hạn chế chức năng vận động.

   Cũng tại Hội nghị tổng kết, TS Tạ Việt Cường, giảng viên khoa Công nghệ Thông tin vinh dự nhận danh hiệu “Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp ĐHQGHN” năm 2022 với nhiều thành tích trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học.

 (UET-News)

Thêm mô tả