Ấp ủ đề tài nghiên cứu khoa học từ đam mê với máy bay không người lái
Bắt đầu
End
Với đam mê nghiên cứu về máy bay không người lái (Drone), nhóm sinh viên K63AE của Viện Hàng không vũ trụ với đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo Drone mang vật phẩm 1kg hạ cánh tự động” đã đạt giải Nhất sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường và đạt giải Nhì tại Hội nghị sinh viên NCKH cấp ĐHQGHN.
Công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo Drone mang vật phẩm 1kg hạ cánh tự động” đạt giải Nhất hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường
Truyền lửa đam mê qua kiến thức về máy bay không người lái
Nhóm nghiên cứu K63AE được thành lập cuối năm học 2019 – 2020 gồm các sinh viên có đam mê nghiên cứu, đặc biệt là về máy bay không người lái với sự hướng dẫn của TS Nguyễn Hoàng Quân với mục đích chính là làm quen, cọ xát với các trang thiết bị mới của Viện Hàng không Vũ trụ.
Ý tưởng đề tài xuất phát từ thực trạng chậm trễ giao hàng do giao thông đường bộ ùn tắc và chi phí chuyển phát tăng do chi phí nhiên liệu cao, trong khi đường không vẫn còn bỏ ngỏ, đây là lĩnh vực đầy tiềm năng cần được khai thác, vì vâỵ nhóm đã quyết định thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo Drone mang vật phẩm 1kg hạ cánh tự động”.
Đề tài đòi hỏi nhóm nghiên cứu phải có kiến thức ở nhiều lĩnh vực như điều khiển tự động, cơ học kết cấu, điện – điện tử. Máy bay không người lái do nhóm thiết kế gồm các thiết bị như: hệ thống điểu khiển cân bằng cho thiết bị bay, hệ thống dẫn đường, xác định chính xác vị trí RTK, cảm biến xác định độ cao và cho phép mang 1kg với vận tốc 8m/s. Bên cạnh đó, sản phẩm thiết bị bay của nhóm còn được trang bị một máy tính nhúng Rasperry Pi 4 nhằm tính toán các thông số và xử lý các dữ liệu trực tiếp một cách mạnh mẽ và chính xác hơn. Từ đó góp phần làm cho chuyến bay thêm an toàn và ổn định hơn. Đồng thời về mặt thiết kế nhóm đã mô phỏng tính toán cho thiết bị có thể hoạt động trong điều kiện gió lớn với mức kháng gió ở cấp độ 5.
Trong quá trình nghiên cứu, khó khăn lớn nhất của nhóm đó là nơi thử nghiệm Drone. Tuy nhiên, theo Trần Quang Đạt, đại diện nhóm chia sẻ: “Bên cạnh khó khăn, nhóm có những thuận lợi về sự hỗ trợ chuyên môn từ TS. Nguyễn Hoàng Quân và các giảng viên khác thuộc Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm cũng rất tích cực trong quá trình nghiên cứu, không chỉ với mảng của mình phụ trách mà còn hỗ trợ các thành viên khác trong nhóm. Điều may mắn là các thành viên trong nhóm đều học lớp K63AE và có thời khóa biểu gần giống nhau nên việc bố trí thời gian nghiên cứu, đi thử nghiệm khá nhanh chóng và tổ chức những buổi trao đổi giải quyết vấn đề phát sinh từ sớm”.
Nhóm nghiên cứu trình bày công trình tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp ĐHQGHN
Hình ảnh Drone
Tiếp tục phát triển thành sản phẩm
Về tính ứng dụng thực tiễn của đề tài, Quang Đạt cho biết: “Trên thế giới, mô hình Drone mang vật nặng 1kg dùng để giao hàng đã xuất hiện tại một số quốc gia, nên tính ứng dụng của đề tài này rất cần thiết. Nếu tại Việt Nam đề tài này được triển khai thực tiễn sẽ là bước tiến lớn cho ngành chuyển phát, giúp giảm thời gian giao hàng, hạn chế ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí, giảm phụ thuộc vào yếu tố con người và giảm ô nhiễm môi trường. Quan trọng là, chúng ta có thể làm chủ công nghệ và làm nền tảng phát triển các công nghệ khác. Sản phẩm mà nhóm nghiên cứu thực hiện đáp ứng những tiêu chí giá thành rẻ, nguyên vật liệu phổ biến và dễ dàng vận hành cho người sử dụng đó là điểm vượt trội mà đội nhóm tham gia nghiên cứu chế tạo hướng tới”.
Video nhóm nghiên cứu bay thử nghiệm drone
Quang Đạt chia sẻ, trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục đầu tư vào các trang thiết bị, linh kiện, khắc phục một số tồn tại và cố gắng để đưa ra sản phẩm có tính hoàn thiện cao nhất. Ngoài ra, nhóm mong muốn tóm tắt lại quá trình thực hiện, kinh nghiệm, quy trình của đề tài thành một quyển tài liệu để sinh viên Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ nói riêng và những sinh viên quan tâm đến Drone nói chung có thể tham khảo cho các đề tài trong tương lai.
(UET-News)