PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình: Mang thương hiệu Trường ĐHCN vươn xa
Đó là cảm nhận, tự hào của cán bộ, sinh viên Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) tại buổi chia tay PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình – Nguyên Bí thư Đảng ủy, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHCN nghỉ hưu hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội sau 40 năm học tập và cống hiến trong ngành giáo dục.
Ban Giám Hiệu Trường ĐHCN cùng đại diện Hội Cứu giáo chức và lãnh đạo, cán bộ các đơn vị tham gia buổi chia tay PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình nghỉ hưu hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội
Buổi gặp mặt có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường cùng Ban giám hiệu Trường ĐHCN các thời kỳ, đại diện Hội Cựu giáo chức và lãnh đạo, cán bộ các đơn vị trong Trường ĐHCN.
Không giống với những buổi chia tay khác, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình bắt đầu bằng xêmina với chủ đề “Xã hội 5.0 của Nhật Bản và cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Đây được xem như bài giảng cuối (the last lecture) của một giáo sư trước khi rời nhiệm sở, một nghi thức rất hay của nhiều trường đại học trên thế giới nhằm ghi dấu và vinh danh thời gian cống hiến của giáo sư. Với PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, bài giảng cuối này cũng đánh dấu một giai đoạn công tác mới trên cương vị Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học CNTT Kyoto, Nhật Bản – niềm tự hào, ngưỡng mộ của cán bộ và sinh viên Trường ĐHCN.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình bắt đầu bằng xêmina với chủ đề “Xã hội 5.0 của Nhật Bản và cách mạng công nghiệp lần thứ tư”
Mở đầu Xêmina, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình đã chia sẻ về xã hội 5.0 của Nhật Bản và so cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhật Bản xem công nghiệp 4.0 là nền tảng đã có để tiến tới xã hội 5.0. Năm 2016, Nhật Bản đã đưa ra một xã hội tương lai mà họ sẽ hướng tới, đang triển khai và gọi là xã hội 5.0 – xã hội siêu thông minh. Và xã hội này sẽ lấy con người làm trung tâm, lấy sự hài lòng, nhu cầu của xã hội và chính con người, cá nhân để đáp ứng.
Ban Giám hiệu Trường ĐHCN trao tặng bó hoa tuơi thắm và những lời chúc ý nghĩa đến PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình
PGS đã chỉ ra những điểm giống nhau giữa xã hội 5.0 và công nghiệp 4.0. Cụ thể, cả hai đều liên quan đến từ các khóa quan trọng gồm IOT, trí tuệ nhân tạo, máy thông minh, quản trị tri thức…; tăng cường giao tiếp của con người với máy móc và những người khác bởi các máy thông minh sẵn có – giao tiếp thông minh; đảm bảo đa nhiệm thông qua các phương tiện tự động và nền tảng tính toán; tập trung các yêu cầu về công việc để giảm chi phí sản xuất và đạt hiệu quả cao nhất; chuyển đổi công việc dễ dàng không cần giao thức cồng kềnh; tập trung kỹ thuật phát triển bền vững, đảm bảo giữa tự nhiên và hệ sinh thái. Tuy nhiên, xã hội 5.0 có những điểm khác biệt so với công nghiệp 4.0 là tập trung tối ưu hóa trách nhiệm con người để thực hiện công việc; tối ưu hóa công nhân trí thức để đảm bảo nhận các kết quả thông qua các máy tính; điều hòa, đồng bộ công việc với sự giúp đỡ của máy thông minh để mang lại lợi ích cho người lao động. Qua đó, xã hội 5.0 của Nhật Bản đã khắc phục những điểm yếu của công nghiệp 4.0 về việc thiếu quan tâm đến con người, xã hội, hạnh phúc chung của nhân loại.
Tuy nhiên, khi Nhật Bản hiện thực hóa xã hội 5.0 đã gặp những thách thức trong sự sáng tạo, tích hợp các vấn đề giữa IOT, big data, trí tuệ nhân tạo… giữa xã hội 5.0 và công nghiệp 4.0; các giá trị dịch vụ luôn được thiết lập kế tục và bền vững; xã hội siêu thông minh. Và Nhật Bản sẽ chịu trách nhiệm triển khai, tiên phong làm mẫu cho thế giới về xã hội 5.0.
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Bình nhấn mạnh về tầm quan trọng của đào tạo nhân lực trong lĩnh vực Công nghệ thông tin dựa trên sự phát triển của xã hội 5.0 và công nghiệp 4.0. Do vậy, kỹ năng của sinh viên cần tiếp cận mềm dẻo hơn, CNTT mang vị cuộc sống nhiều hơn; quan tâm hơn đến đạo đức với quyền cá nhân con người trong xã hội; đào tạo liên ngành liên lĩnh vực về CNTT cho các ngành khác; tăng cường hơn nữa hợp tác hàn lâm – doanh nghiệp.
Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà (đứng ngoài cùng, bên phải ảnh) trao tặng PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình (đứng ngoài cùng, bên trái ảnh) món quà trân trọng, ý nghĩa
Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà đã bày tỏ sự xúc động khi được nghe PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình chia sẻ về xã hội 5.0 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó nhấn mạnh về khía cạnh phát triển bền vững, giáo dục con người. Hiệu trưởng khẳng định đây là buổi xêmina rất có ý nghĩa, không những các thầy/cô được tiếp nhận thêm kiến thức chuyên môn, mà trong bài diễn thuyết còn có lời nhắn nhủ đào tạo con người về đạo đức và kỹ năng. Đồng thời, PGS.TS. Nguyễn Việt Hà đã gửi lời chúc sức khỏe và cảm ơn đến sự đóng góp và cống hiến của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình đối với mọi hoạt động, sự phát triển của ĐHQGHN nói chung cũng như Trường ĐHCN nói riêng trong quá trình công tác của thầy. Trong quá trình công tác tại Trường, từ khi thầy Bình giữ chức Phó Hiệu trưởng, rồi tiếp đến là chức vụ Hiệu trưởng và Bí thư Đảng ủy, Thầy đã góp phần vào sự phát triển của Trường về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tiếp đến, với cương vị là Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ thầy Bình đã góp phần xây dựng Viện trở thành điểm sáng trong ĐHQGHN về xuất khẩu giáo dục. Đối với lĩnh vực hợp tác phát triển, trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu sinh viên – Việt Nhật nhiều nhiệm kỳ PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình đã thúc đẩy phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt – Nhật và được Bộ Ngoại giao Nhật Bản trao tặng Bằng khen vào năm 2014. Ngoài ra, đối với hoạt động liên quan cộng đồng xã hội nghề nghiệp, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình đã có những đóng góp quan trọng để liên kết các nhóm ngành CNTT, khoa CNTT… Cuối cùng, với những kinh nghiệm công tác trong ngành giáo dục, PGS.TS. Nguyễn Việt Hà vẫn mong muốn Thầy sẽ tiếp tục hỗ trợ và cộng tác với Nhà trường trong thời gian tới.
Lãnh đạo Trường ĐHCN qua các thời kỳ đánh giá cao những đóng góp của PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình cho sự phát triển của Trường ĐHCN và chia sẻ những ấn tượng về buổi xeminar
Dành những lời tốt đẹp nhất, GS.TS Nguyễn Hữu Đức – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHCN, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm – Nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Công nghệ, PGS.TS Hà Quang Thụy – Nguyên phó Hiệu trưởng ĐHCN và GS.TS Nguyễn Thanh Thủy – Nguyên Phó Hiệu Trưởng Trường ĐHCN đánh giá cao những đóng góp của PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình cho sự phát triển của Trường ĐHCN và chia sẻ những ấn tượng về buổi xeminar. Ngoài ý nghĩa chuyên môn, đây có thể là sự tiên phong, mở đầu một nét đẹp mới đối với giảng viên mỗi khi nghỉ hưu là có bài giảng cuối. Thầy và trò Trường ĐHCN tự hào vì PGS. Nguyễn Ngọc Bình là người Việt Nam đầu tiên được một trường đại học của Nhật Bản mời và bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý cấp cao. Đồng thời mong muốn PGS. TS Nguyễn Ngọc Bình trên cương vị công tác mới sẽ là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa Trường ĐHCN với Trường ĐH CNTT Kyoto (Nhật Bản), đặc biệt trong việc chuyển tiếp đào tạo sinh viên.
Cán bộ của các đơn vị trong trường và nhiều học trò dành tặng những tình cảm sâu sắc đến PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình
Cán bộ khoa Công nghệ thông tin chụp ảnh lưu niệm và trao gửi những bó hoa tươi thắm đến PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình
– Tin bài liên quan: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CNTT Kyoto, Nhật Bản
Quá trình làm việc của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình trong 40 năm học tập và làm việc tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản, Viện Tin học Pháp ngữ và Trường ĐHCN. Trong quá trình công tác, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình đã trải qua nhiều vị trí quản lý khác nhau như Trưởng bộ môn Công nghệ phần mềm, Giám đốc thư viện – Trường ĐHBKHN; Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCN (2006–2009); Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng Trường ĐHCN (2009-2014); Viện trưởng Viện Tin học Pháp ngữ (2014–2016). PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình có nhiều thành tích trong công tác, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2009, được Bộ Ngoại Giao Nhật Bản tặng Bằng khen năm 2014.
Tuyết Nga (UET-News)